Làm gì để đón được sóng lớn?
Đã có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đàm phán đặt dự án quy mô lớn (từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD) tại Việt Nam. Thế nhưng, để đón được sóng lớn, nền kinh tế cần gỡ một lực cản ngầm đang cản chân các nhà đầu tư…
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam. Giới chuyên gia đã khẳng định rằng, hoàn toàn có cơ sở để đưa ra dự báo đã và đang có một làn sóng quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư tới thị trường Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến một số ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm sản xuất, hàng tiêu dùng, năng lượng tái tạo và công nghệ.
Hiện nay Việt Nam đang có nhiều yếu tố thu hút FDI như: Thị trường gần 100 triệu dân, nguồn lực lao động trẻ dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Hơn thế, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 khiến thu hút FDI có nhiều lợi thế.
Tuy nhiên có điều đáng bàn là, trong suốt nhiều năm qua, đầu tư vào Việt Nam vẫn là bộ ba: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Trong khi đó, giai đoạn này, đang xuất hiện các nhà đầu tư mới, đến từ châu Âu, Mỹ.
Chẳng hạn Tesa - một trong những nhà sản xuất băng dính kỹ thuật và cung cấp giải pháp hệ thống tự dính hàng đầu thế giới đã công bố khoản đầu tư 55 triệu Euro (60,3 triệu USD) vào nhà máy băng dính ở Việt Nam, trở thành địa điểm sản xuất thứ 15 của Tesa trên thế giới bên cạnh các nhà máy lớn khác ở Đức, Ý, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận Việt Nam hiện có 3 điểm nghẽn chính: Thể chế, hạ tầng và nhân lực. Đây là những mặt sẽ được đẩy mạnh cải thiện trong thời gian tới. Đặc biệt, đổi mới mô hình kinh tế của Việt Nam sẽ nhấn mạnh vào chất lượng và hiệu quả của chuyển đổi mô hình.
Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện nay, đối với hoạt động mua bán và sáp nhập, thủ tục đầu tư thông thoáng hơn khá nhiều, các nhà đầu tư đủ điều kiện không phải xin giấy phép, chỉ cần đăng ký là có thể góp vốn.
Việt Nam cũng đã và đang đẩy nhanh chuẩn bị các điều kiện như: Rà soát quỹ đất, mặt bằng, nhà xưởng và các hạ tầng thiết yếu cần thiết khác phục vụ sản xuất, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư và làm việc, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn...
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Cung, cho rằng chính sách thu hút FDI trong thời gian tới là phải xây dựng theo kiểu “may đo” với từng nhà đầu tư. Đơn cử, với các nhà đầu tư châu Âu hay Hoa Kỳ, điều họ muốn là chính sách, luật pháp của chúng ta phải ổn định, văn bản cụ thể dự đoán tương lai được, không phát sinh chi phí không chính thức. Điều này đòi hỏi việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam cần phải quyết liệt từ cấp trên đến cấp dưới, thay vì chỉ cao tốc là bằng phẳng, trong khi đường làng lại đầy chông gai.
Chi phí “gầm bàn”, chi phí phi chính thức chính là những rào cản không chỉ đối với dòng vốn đầu tư FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Điều này cần phải xóa bỏ triệt để để thu hút được FDI chất lượng cao”, chuyên gia Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần rà soát lại hệ thống phát luật, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch... theo thủ tục rút gọn, một luật sửa nhiều luật, để kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách mới có tính đột phá, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.