Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm học đường: Không lẽ trông chờ vào giám sát của phụ huynh?

An Thái 15/09/2020 08:00

Những vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học liên tiếp xảy ra trong những ngày đầu năm học mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang khiến phụ huynh cảm thấy bất an.

An toàn mỗi ngày đến trường, trong đó có việc đảm bảo sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ học bán trú hiện đang là mối quan tâm lớn nhất của nhiều gia đình. Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục khi có sự cố là đương nhiên, nhưng chịu trách nhiệm đến đâu thì thật khó để giám sát.

Phụ huynh giám sát thức ăn đưa vào trường học.

Liên tiếp ngộ độc thực phẩm

Ngay sau lễ khai giảng năm học mới 2020- 2021 ít ngày, trưa 9/9, trường Tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh – Hà Nội) tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, gồm: Thịt kho tàu và trứng chim cút, su su xào, canh rau ngót, cơm trắng. Đến 15h cùng ngày có thêm bữa phụ là sữa học đường. Đây là bữa ăn do nhà trường ký kết với hộ kinh doanh cung cấp không nấu ăn tại trường. Ngay buổi chiều hôm đó, 48 học sinh đã có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, một số em phải nhập viện cấp cứu.

Còn tại trường tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2, TP Hồ Chí Minh), lãnh đạo Phòng Giáo dục quận cũng đã xác nhận sau khi ăn bữa trưa ở trường trong ngày cuối tuần vừa qua, 98 học sinh của trường có biểu hiện bất thường. Trong đó có 32 em phải nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn.

Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm trường học tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Còn tại TP Hà Nội, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục ATVSTP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng đã điều tra để làm rõ về sự cố này.

Qua kiểm tra thực tế về điều kiện vệ sinh cơ sở của hộ kinh doanh Vũ Quỳnh (huyện Đông Anh) cung cấp suất ăn sẵn cho trường Tiểu học Tiên Dương, các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở thiếu lưới phòng, chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng xâm nhập. Cơ sở sử dụng nguồn nước giếng khoan đã lọc để chế biến thực phẩm nhưng chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm; nhà vệ sinh bố trí bên trong nhà kho…Cơ quan chức năng đã yêu cầu hộ kinh doanh nói trên dừng hoạt động, ngừng cung cấp suất ăn sẵn cho trường Tiểu học Tiên Dương; đồng thời tổng vệ sinh môi trường nhà trường và cơ sở kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, bước đầu nguyên nhân của sự cố này được xác định do yếu tố vi sinh. Sau sự việc vừa xảy ra, ông Tuấn đề nghị, tất cả các trường học trên địa bàn Hà Nội quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATVSTP trong trường học, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm theo đúng yêu cầu chuyên môn, nhằm bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho các em học sinh.

Khuyến khích phụ huynh giám sát thực phẩm

Tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng dường như thật khó để giải quyết triệt để. Trước đó, năm học 2019- 2020, sau vụ 35 kg thịt gà bốc mùi, ôi thiu được cung cấp cho bếp ăn tại trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai- Hà Nội), Hội phụ huynh nhà trường đã yêu cầu được tham gia giám sát, kiểm tra chất lượng thực phẩm mà nhà trường mua dùng để nấu ăn cho học sinh.

Chị Mai Huyền, một trong những phụ huynh được cử luân phiên tham gia giám sát nguồn thực phẩm đầu vào chia sẻ: Việc tham gia giám sát bữa ăn học đường rất quan trọng, nếu tất cả các trường học ở Hà Nội tổ chức ăn bán trú đều duy trì được sự vào cuộc của phụ huynh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ giảm đi đáng kể.

Được biết, trong năm học 2019- 2020, trước những bất an về chất lượng bữa ăn học đường, Bộ GDĐT đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm ATVSTP tại các trường học.

Dẫu thế, việc này không đơn giản. Trên thực tế, ở nhiều nơi khi cánh cổng trường khép lại, không ai biết bữa ăn của các con được tổ chức ra sao. Nhà trường không có cơ chế để phụ huynh kiểm tra, thậm chí là trải nghiệm thực tế bữa ăn của các con. Hoặc nếu có, cũng là những buổi kiểm tra được báo trước, nặng về tính trình diễn của nhà trường với các bậc phụ huynh, với đoàn kiểm tra.

Chẳng thế mà một số vụ việc được phát hiện đều là khi phụ huynh “đột nhập” vào trường bằng cách mang thuốc cho con, xin đón con về sớm... Hầu như không có nhà trường nào tự phát hiện thực phẩm “có vấn đề” để thay đổi nhà cung cấp khác. Đó là chưa kể sau giám sát, liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình hay không thì phụ huynh vẫn khó để kiểm chứng được.

Làm thế nào để khắc phục triệt để tình trạng ngộ độc thực phẩm trường học? Khó có thể đưa ra câu trả lời, bởi mỗi khi có sự cố xảy ra, học sinh phải vào viện cấp cứu thì cũng là lúc sự đã rồi. Trong khi chờ “các giải pháp đồng bộ” như cách nói của các nhà quản lý, điều quan trọng nhất là trông mong vào chữ “tâm” của các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm/cung cấp suất ăn nấu sẵn cho các trường học; trông đợi vào chữ “tâm” của nhân viên nhà bếp tại các trường.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội khuyến cáo phụ huynh nên tham gia giám sát ATVSTP tại các nhà trường. Dù không có chuyên môn, công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Ông Tụ lưu ý: bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra.

An Thái