Tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp
Cục Thống kê TP Hà Nội đang triển khai cuộc điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách để tiếp tục có giải pháp gỡ khó cho DN.
Điều tra “sức khỏe” doanh nghiệp
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, hoạt động điều tra này diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại từ cuối tháng 7/2020, với diễn biến khá phức tạp. Tác động của dịch sẽ tác động không nhỏ tới khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Cuộc điều tra sẽ kéo dài đến ngày 20/9, dự kiến công bố kết quả vào cuối tháng 9/2020.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cho DN.
Cụ thể, Hà Nội đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. UBND TP Hà Nội cũng đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND thành phố thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ DN chi phí trả kết quả thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung…
Đặc biệt, thành phố triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19. Đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trỡ DN tối đa; hỗ trợ kinh phí cho DN thành lập mới; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng); triển khai các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (159 cụm với 3.204,31 ha), đến nay đã có 70 cụm đang hoạt động với diện tích là 1.328,64ha, hỗ trợ khoảng 3.600 DN về mặt bằng sản xuất. Các ngành cũng đang thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp, với diện tích là 1.016,72ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các DN trong thời gian tới.
Đối với DN khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, thành phố đã triển khai đề án Hỗ trợ khởi nghiệp đến năm 2020 và đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025. DN thành lập mới được hỗ trợ phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho DN, khoảng 420.000 đồng/DN. Mỗi năm thành phố dành khoảng 20 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo 20 triệu đồng/DN/năm).
Doanh nghiệp đang cần gì?
Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 tại 400 DN và 15 hiệp hội về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu để trình Thủ tướng Chính phủ đã cho một kết quả “không vui” của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể 20% DN đã phải dừng hoạt động, 76% DN không cân đối được thu chi và 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.
Những khó khăn lớn nhất DN phải đối mặt trong tình hình hiện nay và những tháng tới là: Không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi; trả tiền điện nước - nhiên liệu đầu vào, và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị.
Trước những khó khăn này, việc doanh nghiệp cần được tiếp sức là điều cần thiết. Nhưng tiếp sức bằng cách nào để mang lại hiệu quả cao nhất?
Trả lời PV Đại Đoàn kết, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, thuế là một trong những chính sách được cộng đồng DN mong chờ nhất, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 quay trở lại. Với doanh nghiệp nhỏ dù khoản thuế thu nhập doanh nghiệp không nhiều, nhưng cùng với những khoản hỗ trợ thuế khác như miễn, giảm thuế đất; hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động… lại là vô cùng thiết thực.
Khi thu nhập DN được giảm thuế họ sẽ có thêm cơ hội vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Từ đó tạo điều kiện cho các DN nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của thu nhập DN; là tiền đề giúp các thu nhập doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành thu nhập doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo.
Ngoài ra, các DN cũng mong muốn tháo gỡ khó khăn từ các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và giảm bớt giấy phép con tăng hậu kiểm thay bằng tiền kiểm để DN khởi nghiệp được phát triển.
Thời gian qua, đã có rất nhiều chính sách được đưa ra để tiếp sức cho DN. Ở chính sách tài khoá, đó là việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được áp dụng rộng rãi cho hầu hết các DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ có quy mô doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm. Còn ở chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cắt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và thời gian trả nợ của doanh nghiệp.