Số hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp
Chuỗi cung ứng nông sản sang thị trường các nước trên thế giới của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam từ lâu đang tồn tại nhiều hạn chế và điều đó lại càng bộc lộ rõ hơn trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát. Vậy cần làm gì để khắc phục?
Trao đổi về chuỗi cung ứng nông nghiệp thời Covid-19, ông Nguyễn Xuân Hùng, lãnh đạo một DN chuyên cung cấp giải pháp thương mại điện tử và logistics cho biết, việc vận chuyển nông sản sang các thị trường nước ngoài đã bộc lộ trong chuỗi cung ứng khá nhiều hạn chế.
Theo ông Hùng, vấn đề đầu tiên phải nói đến tính tự động hoá ở trong mảng này hầu như không thấy. Điển hình như 9 loại quả mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì các data (dữ liệu) về các loại quả này gần như là không có.
“Nó cũng không có bộ tiêu chuẩn nào về sản phẩm nên người đứng ra làm các thủ tục về xuất nhập khẩu gần như phải chủ động yêu cầu nhà vườn cung cấp. Cũng vì không có hồ sơ chuẩn nên các thông tin cung cấp cũng không được liền mạch. Phía công ty cung cấp giải pháp về logistics cũng phải đứng ra để làm hệ thống hoá lại toàn bộ”, ông Hùng nói.
Vấn đề thứ hai được cho là tồn tại rất lớn là những yêu cầu của thị trường nhập khẩu không được truyền thông đầy đủ đến cho người thu hoạch trái cây và đóng gói trái cây để xuất khẩu.
Ở góc độ một DN hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, đang gặp những vấn đề tương tự như những gì ông Hùng đã chia sẻ. Theo ông Dũng, các thay đổi về mặt thị trường trong mùa dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến phương thức cũng như khâu sản xuất trồng trọt.
Cụ thể hơn như cây cà phê phải mất 3 - 4 năm để trồng, sau đó mới đến những kỳ thu hái đầu tiên. Tương tự như vậy là khoảng thời gian rất dài với cây chè và đặc biệt là các loại nông sản mà thị trường đòi hỏi chất lượng cao cũng như chế biến sâu.
“Do đó, các thông tin về mặt thị trường rất quan trọng đối với các khâu sản xuất. Là DN trực tiếp trồng và chế biến, chúng tôi hiểu rõ điều đó và đồng thời nó bài toán rất lớn mà chúng tôi đang đối diện, từ thị trường, người tiêu dùng cho đến các data bị phân tán” - ông Dũng chia sẻ.
Mặt khác, giới chuyên gia đánh giá, chuỗi cung ứng nông sản trong thương mại quốc tế rất phức tạp vì bao gồm nhiều bên liên quan tại nhiều quốc gia. Nhiều quy trình hiện vẫn dựa trên giấy tờ bản cứng, gây trì hoãn việc chia sẻ thông tin và cản trở hàng hóa lưu thông hiệu quả.
Trong khi đó, các chuỗi cung ứng ứng dụng Blockchain (công nghệ chuỗi khối) cho phép tất cả các bên liên quan, từ sản xuất nông sản đến phân phối và bán hàng - truy cập thông tin đáng tin cậy và có thể kiểm chứng về chuyển động và dòng thời gian của bất kỳ sản phẩm nông sản nào.
Chuyên gia kinh tế, TS Phạm Công Hiệp cho biết, các giải pháp Blockchain trong vận chuyển hàng hải và khai thác cảng có thể cải thiện đáng kể việc số hóa các hoạt động xuyên biên giới, mang lại hiệu quả và giảm chi phí. Ứng dụng như vậy sẽ cho phép theo dõi các chuyển động của các lô hàng nông sản, tài liệu và giao dịch tài chính, mà không cần dựa vào xác minh của các tổ chức tài chính trung gian hoặc cập nhật thông tin thủ công từ nhiều nguồn khác nhau.
Vì vậy, đẩy nhanh số hóa chuỗi cung ứng nông sản là việc cần làm ngay.