Soái tướng anh hùng vị quốc, vị dân
Nhìn nhận về vị Khai Quốc triều Trần - Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Người bênh thì bênh quá lên, khoác vào cho ông nhiều công lênh quá, nào dựng nước nào giữ nước, mưu kế như thần, an với dân trung với vua, cả đời lao tâm lao lực tự mình đầy ải mình… Lại người ghét ông thì cũng ghét quá. Thực ra nên nhìn ông ở góc độ con người. Là người thì có đúng có sai. Bản thân ông là một nhân vật lớn của lịch sử. Lịch sử chọn ông để thi triển một khuất khúc, một chuyển biến của mình thì ông không làm khác được. Chỉ có điều Trần Thủ Độ bị lịch sử chọn ngay ở thời điểm nhạy cảm nhất, lại có tài, tài thao lược kinh luân đến thế thì cái việc vật đổi sao dời lắm công nhiều tội cũng là một tất yếu lịch sử.
Khi khắc họa những nhân vật lịch sử, các nhà tiểu viết sử căn cứ sử liệu nhiều khi chỉ xét nhân vật trong tư thế lịch sử vốn có, trong “vai trò đang đóng” của họ, mà nhân vật lịch sử, tức là nhân vật chính trị luôn có những biểu hiện, diễn đạt theo xu thế lịch sử có lợi cho cá nhân, thể chế và đại cục mà họ theo đuổi. Cho nên, nếu không bóc đi cái biểu hiện bên ngoài, bóc tách vai trò đang đóng của nhân vật, sẽ dẫn đến cái nhìn phiến diện, cắt xén, xa rời bản chất thật của nhân vật dẫn đến nguy cơ làm méo mó lịch sử.
Tìm hiểu về Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, chúng ta không thể chỉ căn cứ vào chính sử vì chính sử phong kiến đã tỏ ra quá khe khắt với ông, nhiều chỗ là nghiệt ngã nên chúng tôi trong quá trình xây dựng chân dung về ông đã còn dựa vào các tư liệu khác như: Dã sử, dật sử, huyền tích dân gian, các chuyên luận khoa học, các tiểu thuyết lịch sử sát thực với chính sử mà trong ấy tiêu biểu phải kể đến tập tiểu thuyết lịch sử “Bão táp cung đình” của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Dưới ngòi bút của nhà văn tài danh này cùng các nguồn tư liệu khác nhau đã cho thấy phẩm chất nổi trội là vị quốc, vị dân của vị thống tướng anh hùng vào bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
“Bão táp cung đình” bên cạnh nhân vật Trần Thủ Độ, tác giả đã khéo léo đặt vào đấy một nhân vật của dân gian, nhân vật Hoàng tiên sinh. Nhân vật này chắc chắn là một sáng tạo có chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà văn, tạo sự vững vàng, cân đối cho tác phẩm lịch sử nước ta, trải qua mấy nghìn năm dường như khi nào cũng luôn tồn tại những cặp nhân vật lịch sử như vậy. Như là cứng ở bên mềm, cương đối xứng nhu, âm ở cạnh dương cũng là lẽ huyền vi của tạo hóa. Nhân vật Hoàng tiên sinh thể hiện tinh thần tiếp thu tinh hoa nho học của vương triều Trần. Vương triều Trần là vương triều Nho, Phật, Lão đồng nguyên, tôn trọng nhau, học tập nhau vì mục tiêu lớn lao là con người và dân tộc. Thông qua những ứng xử của vị khai quốc triều Trần Trần Thủ Độ với các đối thủ chính trị Nguyện Nộn và Đoàn Thượng cũng như một số kẻ sĩ còn hương vong nhà Lý đã cho thấy một nhãn lực chính trị phi thường của Trần Thủ Độ. Điều này giải thích những hành động kiên quyết của ông trong đó không phải không có những sai lầm mang tính cục bộ song tuyệt nhiên và nhất quán theo một quĩ đạo thống nhất là phụng sự lợi ích lâu dài của Tổ quốc, của nhân dân.
Tấm lòng trung trinh của ông biểu hiện cao độ nhất với câu nói nổi tiếng khi vó ngựa Mông - Thát ầm ầm nơi biên ải: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” và cả những ngẫm nghĩ, những khi dằn dỗi, cáu giận trước cảnh mấy anh em vua trẻ một mực bỏ ngôi vị gây khó xử cho ông, đẩy ông vào tình thế trớ trêu dễ để miệng lưỡi thế gian chế diễu. Ở lúc ấy, nếu là một nhà chính trị non tay vương nghiệp ắt lung lay, giặc cướp nổi lên và nạn ngoại xâm là khó tránh khỏi, toàn cục lịch sử, giang sơn không biết sẽ đi đến đâu. Những phút giây ấy không chỉ là một lần đến với vị khai quốc triều Trần mà còn góp phần định vị con người thật của ông, một con người thấm đẫm nhân tình, hiểu đời và hành xử khác thường, tiên quyết và tiên lượng những việc lớn quốc gia mà không phải ai cũng nhìn nhận ra, nhìn nhận khách quan và công bằng, kể cả đến bây giờ.
Trần Thủ Độ (1194-1264), là thái sư đầu triều nhà Trần, người có công sáng lập và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần, khoảng gần 40 năm, từ 1226 đến 1264.
Trần Thủ Độ làm quan rất nghiêm minh, khi Thiên Cực công chúa có xin riêng cho một người làm chức Câu Đương, ông nhận lời. Đến lúc xét, ông gọi người ấy lên mà bảo: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu Đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai dám đến nhà riêng xin xỏ nữa.
Vợ Trần Thủ Độ là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung khi đi ngang qua cung cấm thì bị một người lính chạy cờ ngăn lại. Bà trở về nhà thuật lại và khóc: “... Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy!” Trần Thủ Độ tức giận sai bắt người lính về trị tội. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: “Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa”, sau đó ban thưởng cho người này.
Có thể thấy rằng, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ là nhân vật lịch sử đã, đang và sẽ còn gây nhiều tranh cãi của các bậc tiền nhân và hậu bối sau này. Đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học toàn quốc về vương triều Trần và vai trò cá nhân của ông. Các quan điểm luôn không đồng nhất, thậm chí trái ngược hẳn nhau.
Xét về mọi mặt bối cảnh lịch sử thời điểm ấy, nếu ta nhìn Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ ở góc độ vị quốc, vị dân sẽ thấy mở ra rất nhiều điều cần bàn. Dù hành vi không trực tiếp lên ngôi (việc này ông thừa sức làm ở thời điểm ấy) được nhiều người cho rằng đây là một mưu kế quỷ quyệt của ông cũng như không ít người ngợi ca hành vi này. Kể cả khi vua Trần Thái Tông dỗi lên núi ông vẫn nhất quyết phò trợ còn dùng mọi hành động ép vua trở lại triều chính. Điều này nếu là một người thường sẽ không thể hành động được như thế. Liệu lúc ấy đã có ai nhìn ra họa xâm lăng đã nhen mầm từ phương Bắc và việc an dân trị quốc, đặc biệt là có được một khoảng thời gian thích hợp để vực thế nước cường thịnh, một chủ trương xuyên suốt toàn bộ cuộc đời ông. Đây là một trong những tồn nghi về cá nhân ông chỉ được giải mã khi ông nói: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.
Với biệt tài và cơ mưu quyền biến của mình, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ đã hiến kế và cùng với vua Trần Thái Tông tổ chức phản công và đánh bại quân địch. Sau chín ngày chiếm cứ Thăng Long, cuối cùng giặc đã phải tháo chạy về nước. Lần tác chiến này đã cho quân và dân triều Trần những kinh nghiệm quý báu để sau này làm nên những võ công lịch sử.
Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ trước hết là một soái tướng tài giỏi bậc nhất của vương triều Trần. Ở ông, hội tụ đầy đủ phẩm chất văn võ kiêm thông của một đại tướng và trí óc lão luyện, anh hùng của một chính trị gia. Ông chính là mẫu người chính trị lý tưởng trong thời khắc chuyển giao quyền lực của các vương triều phong kiến. Ông cũng là người hoàn toàn có thể đích thân ra trận đánh đông dẹp bắc nhưng cũng bằng tài trí phi thường ở trong màn trướng mà định đoạt được cục diện chiến trận nơi xa. Ông cũng là người tâm can khó lường, kể cả với các tướng lĩnh, tôn thất nhà Trần.
Ngay như việc ông sử dụng và trọng dụng Phùng Tá Chu, một đại thần triều Lý sau này là một trọng thần triều Trần cũng là bài toán không dễ gì giải đáp ở một con người luôn đặt dòng họ mình, vương triều mình lên trên hết. Việc ông ứng xử với những người thân nhất (vua, đại thần họ Trần, vợ con, họ hàng...) một cách vừa nghiêm khắc, vừa công tâm đã cho thấy sự phức tạp nhưng rất nhất quán ở ông là vị quốc, vị dân, vị sự lớn mạnh của Đại Việt, vì tư thế của sơn hà xã tắc. Ông là con người tưởng chừng rất mâu thuẫn nhưng luôn nhất quán với niềm tin và lý tưởng của mình, một cách sắt đá, một cách không gì lay chuyển nổi, mặc kệ những chê cười, mặc kệ đám hủ nho hay kể cả những phán xét sau này của lịch sử.
Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử vô cùng hiếm gặp nếu không muốn nói là duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Phẩm cách và cá tính của ông, tài năng và các hành vi ứng xử trong toàn bộ cuộc đời ông là một cái gì đó mà chúng ta không dễ dàng giải mã. Chúng ta chỉ có thể tiệm cận ông khi đặt dưới nhiều góc độ mà không nên có những kết luận xơ cứng, hoặc nghiêng theo một cái nhìn nào. Hãy cho ông sống gần hơn với những hành động và suy nghĩ của một người bình thường trong một con người trí tuệ siêu phàm như ông. Hãy gạt đi những bi kịch cá nhân, những kịch bản sắp sẵn cho ông mà hãy đặt ông đúng vào vị trí của một nhân vật đặc biệt trong lịch sử. Tin rằng thời gian và sự tiến bộ của con người sẽ ngày càng có cái nhìn đúng đắn hơn về Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ.