Lên Cao Bằng tìm dấu tích cụ Tổ
Cụ Tổ, thường được biết qua gia phả truyền đời của dòng họ và thật vinh dự, tự hào cho dòng họ nào có cụ Tổ được lưu danh sử sách. Ở làng Gôi Mỹ, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tình Hà Tĩnh hiện có dòng họ “Đinh Nho” có thể gọi là danh gia vọng tộc.
Trong gia phả của dòng họ này ghi từ đời thứ 7, cụ Đinh Nho Công(1637-1695), chuyển từ Bình Hòa về làng Gôi Mỹ. Cụ dùi mài kinh sử, tham gia kỳ thi Hương đỗ Giải nguyên, thi Hội, thi Đình, đỗ Đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670), trở thành tổ khai khoa của dòng họ Đinh Nho và tấm bia tiến sĩ khoa Canh Tuất có tên cụ hiện còn lưu giữ tại Quốc Tử Giám, Hà Nội. Tiếp đến, cụ Đinh Nho Hoàn là con cụ Đinh Nho Công, có tên trên bảng vàng tại Quốc Tử Giám trong kỳ thi Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (năm 1700), đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân(tức Hoàng giáp), đứng thứ 4 trong số 19 người đỗ kỳ thi này. Năm 1704 Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn được triều đình cử làm Đốc trấn Cao Bình(tức Cao Bằng ngày nay), đến năm 1710 mới trở lại kinh thành. Trong 6 năm ở Cao Bằng cụ đã cho thực thi nhiều việc để phát triển kinh tế ích nước lợi dân, như phát triển doanh thương, sửa đường, phá ghềnh đá trên sông Bằng Giang để thuyền bè đi lại dễ dàng. Cụ còn làm nhiều thơ vịnh cảnh non nước nơi địa đầu tổ quốc. Năm 1715, cụ được cử làm Phó sứ trong đoàn sứ thần sang triều Thanh, không may cụ bị bệnh qua đời trên đường đi sứ. Trong những tháng ngày trên đường đi sứ cụ vẫn thường làm thơ, sau khi cụ qua đời được con rể là tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường sắp xếp thành một tập, đặt là “Mặc Ông sứ tập”.
Vào dịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 300 năm ngày mất của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, Sở Văn hóa - Thông tin Du lịch Hà Tĩnh và dòng họ Đinh Nho Hương Sơn đã phối hợp tổ chức một cuộc hội thảo khoa học. Trong hội thảo, PGS.TS Đinh Khắc Thuân, cán bộ Viện Hán Nôm công bố nghiên cứu về tác phẩm mới tìm thấy của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn qua bản viết tay chữ Hán, ký hiệu AB.185: “Hoán Tỉnh châu dân từ” và “Cao Bằng thập thủ”. “Cao Bằng thập thủ” gồm 10 bài vịnh cảnh Cao Bằng, như đánh giá của PGS.TS Ngô Đức Thọ: “...Những câu thơ đẹp như vậy phải coi là một thông điệp mỹ học vượt ngàn lớp thời gian đến với chúng ta”.
“Những câu thơ đẹp” trong “Cao Bằng thập thủ”, bài nào cũng có ghi một địa danh cụ thể. Ông tộc trưởng dòng họ Đinh Nho Hương Sơn đã nảy ra ý tưởng làm một cuộc cuộc hành hương lên vùng đất cụ Tổ từng sống, làm thơ vịnh các địa danh đó. Dẫu biết thời gian vật đổi, sao rời, đã 3 thế kỷ trôi qua việc tìm dấu tích người xưa để lại như thế khác gì tìm kim đáy bể, nhưng những hậu duệ dòng họ Đinh Nho hôm nay vẫn hy vọng trên thực địa vẫn có thể còn cảm nhận được chút “hơi hướng” nào đó của cụ Tổ. Thế là đoàn của dòng họ Đinh Nho lên Cao Bằng, “gọn nhẹ” có 3 người, gồm ông trưởng tộc sống ở quê và hai người nữa hiện đều ở Hà Nội. Ông Đinh Nho Bảng một chuyên gia về kinh doanh vàng bạc có uy tín và ông Đinh Phạm Thái, giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa, kiêm thi sĩ. Nhưng đến phút chót lên đường đoàn vẫn chưa hề có liên hệ nào trước với nơi sẽ đến, ngoại trừ việc trưởng ban liên lạc dòng họ ở Hà Nội Đinh Nho Bảng còn lưu số điện thoại của một người tên là Đinh Danh Phương, hiện đang làm một công việc gì đó ở Cao Bằng, mà ông thoáng gặp trong dịp họp họ Đinh toàn quốc ở Ninh Bình vào đầu xuân...
Gần 22 giờ khuya, trước mặt mọi người hiện ra một vùng đất bằng phẳng, điện sáng trưng, đó là thành phố Cao Bằng. Đoàn nghỉ tại khách sạn Hoa Việt, hỏi ra mới biết, dinh Đốc trấn xưa đặt chính nơi đây.
Sáng hôm sau đã thấy một người trạc tuổi trung niên, gương mặt đôn hậu, dễ mến đến gõ cửa, tự giới thiệu tên là Đinh Danh Phương. Trước hết anh vui vẻ hỏi thăm sức khỏe từng vị khách cao niên, vất vả sau một chặng dài, rồi mời cả đoàn đi ăn sáng, đãi món phở vịt đặc sản địa phương. Lúc ra ngồi bàn uống nước, anh bấm máy gọi cho một người bảo cũng trong họ “Đinh ta”, là Đinh Ngọc Viện, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, để cùng anh lo việc tiếp đón cho chu đáo. Đến lúc ấy cả đoàn mới biết Đinh Danh Phương là một quan chức của tỉnh: Giám đốc Sở Nội vụ. Lát sau anh Viện đến chào đoàn và hai anh nhanh chóng lĩnh hội được mục đích chuyến đi, bố trí người lái xe thông thạo địa hình để tìm lại di tích của quan Đốc ngày xưa thông qua 10 bài thơ với 10 địa danh cụ thể.
Khách sạn Hoa Việt hôm nay nhìn ra cửa sông gọi là Mục Thành, nơi trên bến dưới thuyền tấp nập. Sử sách ghi rằng: “Quan Đốc trấn là người liêm khiết, giỏi việc trị quốc an dân, nên các thương gia người Hoa từng đặt một tấm bia đá lớn ở Mục Thành để ca ngợi công đức của ngài...”. Tấm bia đó không còn, may thay trong kho lưu trữ của Viện Hán Nôm còn một bản dập. Văn bia viết rằng, con sông dữ dằn lắm, giữa dòng có tre mọc, đá nhô, thuyền bè về mùa lũ đến chỗ ấy tránh không kịp, thường bị va quyệt và đắm, của cải mất hết, có khi còn chết người. Cụ Đốc trấn Đinh Nho Hoàn khi vừa về nhậm chức đã xem ngay nơi thủy hiểm ấy, mùa cạn cho thợ bơi ra đục bằng những tảng đá nổi, phát dọn gốc tre, nên thuyền qua lại không còn bị tai nạn nữa. Cụ còn có lệnh giảm thuế, giảm sự kiểm soát phiền hà khách thương ra vào bến thuận lợi, nhanh chóng...
Giờ bắc qua sông Bằng là cây cầu bê tông cốt thép vững chãi. Đoàn dừng lại trên cầu, mọi người phóng tầm mắt về nơi cửa sông, ghềnh đá, hội quán ngày trước; xa hơn gặp dãy Hoàng Sơn xanh mờ uốn lượn như dải lụa, thật đúng với miêu tả của cụ Hoàng giáp trong bài số 2 “Ngắm Hoàng Sơn lúc trời tạnh mưa”: “Da trời rửa sạch bằng tờ/Chất ngất Hoàng Sơn vẻ vẻ ưa...”. Bỗng nghe tiếng họa mi lảnh lót bên sông, ông Đinh Nho Bảng như bị tiếng chim ấy hút hồn, vội chạy sang bên kia cầu. Ít phút sau ông trở lại, rạng rỡ với chiếc lồng con trong tay, có chú họa mi ngàn phố đang hót, rất phù hợp với câu thơ của cụ Tổ: “Khe kiều chim gióng, tiều về sớm/Động khẩu hoa ngâm khách ở trưa/Dửng dửng miếu thần hương chửa lạnh/Khí thiêng nghi ngút lại hơn xưa”.
Phố Bằng Giang cách cầu không xa, người qua lại nhộn nhịp, trong lòng ông giáo sư luyện kim Đinh Phạm Thái, một thành viên trong đoàn, bỗng bừng dậy bao kỷ niệm. Chính nơi đây vào năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ông đã nhiều lần nghỉ lại, tắm mát trên quãng sông này, chờ mua vé ôtô lên công tác ở mỏ thiếc Tĩnh Túc. Và cũng chính từ đây hình thành một ý tưởng tinh luyện thiếc mới, để rồi sau đó vài năm ông đã hoàn thành luận văn tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học) và được cấp bằng độc quyền sáng chế cá nhân về luyện thiếc đầu tiên ở nước ta. Rõ là hậu duệ của cụ Tổ, đến đời nay lại tiếp tục có thêm nhiều người đỗ đại khoa, chỉ khác xưa là tiến sĩ văn chương, nay là tiến sĩ khoa học công nghệ!
Xe bon bon theo con đường dẫn lên hang Pắc Bó lịch sử, nhưng chỉ đi cách trung tâm thành phố chừng 5km thì dừng trước đền Khâu Sầm (thuộc bản Ngần, xã Vinh Quang, huyện Hòa An). Đây là đền thờ danh nhân Nùng Trí Cao, thời vua Lý Thái Tông, được phong Thượng đẳng thần vì có công đánh đuổi giặc Tống.
Cách đền thờ Nùng Trí Cao không xa, đến xã Hưng Đạo, cũng thuộc huyện Hòa An có chùa Đống Lân, được xây từ thời Lê Mạc, đã bị phá trụi, xây lại vào đời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, giữa thế kỷ XIX. Những lần trùng tu sau này, tất cả những chữ viết như tên chùa, câu đối đều bằng quốc ngữ, đây cũng là một cách thể hiện lòng tự tôn dân tộc của cháu chắt hôm nay. Khi vừa bước chân vào cửa Phật đã gặp ngay một sư nữ đang cầm chổi quét lá bồ đề, nàng có vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, đôi mắt nhung thì thăm thẳm buồn. Hỏi, biết tên tục của nàng là Nguyễn Thị Minh Hân, mới xuống tóc, song không ai “khai thác” được thêm, cơn cớ gì mà ni cô xinh đẹp này lại theo sư nữ trụ trì Thích Diệu Không bỏ việc đời về ở hẳn đây? Trong chùa có một chuông đồng đúc nổi dòng chữ Nôm “Quốc thái dân an”, do quai treo bị gãy mà từ nhiều năm nay chuông cổ đặt ngay trên nền đất, còn một chuông đồng đúc mới được treo lên để thỉnh hàng ngày. Cụ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn có bài “Tiếng chuông đêm ở Đống Lân” (Bài 5), một bài thuộc loại hay nhất trong số “thập thủ”. Vậy là, quả chuông hơn 300 tuổi hôm nay vẫn còn hiện diện trước mắt những hậu duệ của cụ.
Điểm đến cuối trong ngày của đoàn là thành Na Lữ (Bài 1: Na Lữ cổ thành), cách trung tâm thành phố chừng 15km, thuộc làng Đền, xã Hoàng Tuy (Hòa An). Đây còn gọi là Đền Vua Lê, đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, lễ hội vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm. Thành Na Lữ được xây từ thế kỷ XI. Năm 1592, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng chiếm thành Na Lữ và xây cung điện, trải 3 đời vua. Đến năm Vĩnh Trị thứ hai (1677), nhà Mạc bị nhà Lê đánh bại, phải chạy dạt sang Trung Quốc. Cụ Đinh Văn Tả là một tướng giỏi nhà Lê, được ghi danh trong sử sách. Còn có thông tin chưa được kiểm chứng, cụ quê gốc Hưng Nguyên, Nghệ An, cùng huyết thống với cụ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (?). Khi mọi người trong đoàn vừa bước chân đến cửa thành, thấy một mương nước trong veo, có một người đang giặt áo, chợt nhớ đến câu thơ của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn trong bài Qua huyện Kỳ Dương đề Ngô Khê, trong tập Mặc Trai sứ tập: Nhà sư giặt áo vượt cầu Hương. “Nhà sư” hôm nay là một cựu chiến binh trông coi cổ thành, cũng bỏ dở việc giặt giũ, vượt cầu về vận quần áo chỉnh tề ra đón đoàn. Trong lúc trò chuyện ông đoan quyết rằng, Cao Bằng chỉ có một dòng họ Đinh, đều là con cháu của cụ Đinh Văn Tả cả.
Cuộc chia tay với hậu duệ của cụ Đinh Văn Tả thật vui vẻ, đậm đà tình huynh đệ. Họ sôi nổi hẹn ngày gặp lại. Niềm tự hào của dòng họ Đinh còn ở chỗ, sắp tới tỉnh Hà Tĩnh sẽ quyết định đặt tên danh nhân Đinh Nho Hoàn cho một con đường ở thành phố quê hương. Còn chính quyền địa phương tỉnh Cao Bằng cũng đã ghi nhận kiến nghị, rồi đây một đường phố được mang tên vị Đốc trấn liêm khiết, tài giỏi từng sống, làm việc hơn 3 thế kỷ trước trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.