Đánh giá học sinh tiểu học: Tránh bình mới rượu cũ

Lâm An 16/09/2020 07:39

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu triển khai từ năm học này ở lớp 1. Đi kèm với đó là hàng loạt những quy định mới về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học được Bộ GDĐT ban hành được kỳ vọng sẽ đem lại những hiệu quả tích cực trong việc dạy và học.

Việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Điểm 0 và đánh giá không bằng điểm số

Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học vừa được Bộ GDĐT ban hành áp dụng từ năm học 2020-2021 bắt đầu với học sinh lớp 1, năm học 2021-2022 với học sinh lớp 2… cho đến năm học 2024 - 2025 với học sinh lớp 5.

Một điểm đáng chú ý đó là quy định về hai hình thức đánh giá học sinh tiểu học là đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Khi đánh giá định kỳ bằng điểm số, Điều 7 của Thông tư quy định: Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.

So với quy định hiện hành tại Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, Thông tư mới đã bỏ quy định “không cho điểm 0” đối với bài kiểm tra của học sinh tiểu học.

Trong khi đó, đối với đánh giá thường xuyên, quy định mới nghiêng về đánh giá bằng lời nói, nhận xét, không cho điểm. Việc đánh giá sẽ kết hợp giữa đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

Nhìn nhận việc bỏ quy định này trong Thông tư 27, cô giáo Trần Thị Phượng, Trường Tiểu học Tân Mai, Hà Nội cho rằng: Thực tế từ Thông tư 30 trước đây đã bỏ quy định chấm điểm học sinh tiểu học nên thời điểm đó, giáo viên ban đầu có lo lắng về việc thay vì chấm điểm sẽ viết nhận xét thế nào? Liệu có trùng lặp ý? Nhất là với những bạn học tốt, viết đẹp, quanh đi quẩn lại “Em làm tốt, cô có lời khen” hay “Em làm rất tốt”. Lo “cạn vốn liếng” nhận xét hồi đó nhưng rồi khi đi vào thực hiện mới thấy, giáo viên phải cân nhắc từng câu, nắn nót từng chữ để nhận xét học sinh cũng là để phụ huynh “nhận xét” giáo viên qua mỗi dòng chữ. Đến nay, Thông tư mới nhấn mạnh đánh giá bằng lời nói thực chất vẫn là công việc các cô làm hàng ngày bởi giữa cô trò trong một lớp, luôn có sự trao đổi, trò chuyện thì sẽ khiến các tiết học sôi nổi, gần gũi hơn. Ngoài ra, tuy không cho điểm nhưng hiện nay có nhiều kênh thông tin để trao đổi giữa phụ huynh và học sinh nên gia đình hoàn toàn có thể nắm được tình hình học tập của con để kịp thời nhắc nhở, uốn nắn.

“Riêng việc bỏ quy định cho điểm 0 đối với bài kiểm tra tôi cho rằng cũng nhằm đánh giá đúng thực chất chất lượng của học sinh để các em cố gắng. Bản thân tôi, trong đời giáo viên tiểu học chưa từng hạ bút chấm điểm 0 nào cho học sinh của mình”, cô Trần Thị Phượng chia sẻ.

PGS. TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng xưa nay, về mặt tâm lý, một lời khen của thầy cô giáo có giá trị bằng hàng chục, thậm chí hàng trăm lời khen của bố mẹ ở nhà, nhất là ở lứa tuổi học sinh tiểu học. Nên việc đổi mới đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh là cần thiết. Điều quan trọng là cần được hướng dẫn cụ thể, quán triệt sâu sắc tới các cán bộ giáo viên nhà trường bởi quy định là vậy nhưng thói quen là thứ không thể ngay lập tức bỏ ngay, đòi hỏi phải có thời gian để từ từ chuyển đổi. Làm sao để bình mới, rượu mới là điều các nhà quản lý giáo dục cần tính đến và sát sao trong kiểm tra, nhắc nhở giáo viên thực hiện.

Cần phụ huynh đồng hành

Việc đánh giá học sinh tiểu học bao gồm đánh giá thường xuyên và định kỳ sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đang triển khai ở lớp 1 năm học này) nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tuy nhiên, trong năm đầu triển khai, nhiều phụ huynh cảm thấy khá lo lắng vì chương trình và sách giáo khoa thay đổi, trong đó, sách giáo khoa năm học này được phát đến tay học sinh gần như cùng thời điểm năm học mới bắt đầu nên nhiều phụ huynh không có thời gian nghiên cứu trước. Sau 1 tháng vào học, một số phụ huynh bày tỏ lo lắng vì khác với sách cũ, ngay trong những buổi học đầu tiên, các con đã học nhiều kiến thức mới. Với những bé chưa học trước, đó quả thực là một nỗi căng thẳng.

Một số phụ huynh có con học bộ sách Chân trời sáng tạo cho rằng so với sách của chương trình hiện hành, sách mới “dạy vùn vụt”. Về vấn đề này, cô Phạm Thúy Hà,Tổ trưởng Tổ Phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 4, TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, nếu bước đầu quan sát sách giáo khoa giáo viên và phụ huynh sẽ có cảm giác “hoảng” vì trong 1 tiết có thể dạy đến 4 vần. Song trên thực tế, điểm ưu việt của chương trình mới chính là khả năng học sinh học tới đâu giáo viên sẽ dạy tới đó. Học sinh giỏi thể hiện năng lực tốt giáo viên sẽ dạy sâu hơn, em kém hơn sẽ dạy nhẹ hơn. Trong cùng một lớp nhưng học sinh không phải đạt một lượng kiến thức như nhau. Chính vì vậy, việc đánh giá của giáo viên dựa trên sự tiến bộ của học sinh đó so với xuất phát điểm của em chứ không phải so với bạn cùng lớp.

Một giáo viên tiểu học khác thẳng thắn với cách làm này, sẽ không có chuyện so sánh học sinh này với học sinh khác là một điều rất nhân văn. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần nhìn nhận rõ để đồng hành cùng cô giúp con tiến bộ theo chuẩn của con thay vì so với bạn A đã đọc làu làu cả trang sách, còn con mình mới đang ghép vần…

“Dạy học nhiều năm, tôi nhận thấy đến cuối học kỳ, cuối năm học, những em chưa học trước hoàn toàn có thể đuổi kịp, thậm chí vượt những em đã học trước nên việc phụ huynh cần làm là thấu hiểu và đồng hành cùng cô trên mỗi bước chân con tới trường, đừng sốt ruột vì học tập là một quá trình”- cô giáo này chia sẻ.

Lâm An