Phát hiện lăng mộ đá thời Lê Trịnh
Lăng mộ đá thời Lê Trịnh này nằm trong khuôn viên một nhà dân ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ bao nhiêu năm nay lăng mộ đá vẫn hiển hiện trên gò đất. Thế nhưng, suốt mấy chục năm trời, ngành văn hóa tỉnh Hà Tây (cũ) và Hà Nội hôm nay không có cán bộ xuống nghiên cứu, kiểm kê di tích từ đó có báo cáo và thực hiện quy trình để xếp hạng di tích.
Qua một bức ảnh chụp lăng mộ đá của em Chiến - một thanh niên sống ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội, gửi tới tin nhắn, chúng tôi quyết định thu xếp ngay thời gian để tới xem.
Trước mặt chúng tôi là một gò đất rộng khoảng 200m2 đang được những người thợ kè đá xung quanh. Lăng mộ đá ngự trên đỉnh gò đất. Khuôn viên gò đất này nằm trong thửa đất của gia đình anh Lê Đức Thắng. Và thửa đất của gia đình anh Lê Đức Thắng nằm ở gần trung tâm của thôn, gần chùa Báo Quốc cổ kính.
Anh Lê Đức Thắng cho biết: Gia đình anh đang nhờ thợ đến tu sửa gò đất xung quanh lăng mộ cho khỏi xô lệch, sụt lún. Gò đất được kè đá xung quanh. Người thợ cả là một người dân trong làng cho biết: Gò đất tuy được đắp cao đã rất lâu rồi nhưng đến nay vẫn thấy xốp. Có lẽ vì vậy mà ngôi mộ đá hơi bị nghiêng phần thân? Sau khi quây đá xung quanh, phần trên thành sẽ được giằng bê tông cốt sắt để giữ cho khỏi xô lệch.
Anh Lê Đức Thắng cho biết, gia đình anh ở đây đã lâu. Từ mấy trăm năm nay. Anh được thừa kế phần đất này và chăm lo hương khói cho lăng mộ đá. Anh Thắng không rõ gốc tích người nằm trong mộ là ai, quan hệ họ hàng với cha ông mình như thế nào? Chỉ biết từ hồi nhỏ, anh đã thường leo trèo lên chơi ở khu mộ.
Người thợ cả cung cấp cho anh Lê Đức Thắng một bản vẽ bản đồ làng Bình Vọng, tổng Hà Hồi, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông năm 1938. Bản đồ có vẽ lăng mộ đá trong khuôn viên khoảng 1300m2. Trước đây, xung quanh lăng mộ đá là ruộng cúng.
Tiến hành khảo sát lăng mộ đá, bước đầu chúng tôi ghi nhận một số thông tin như sau.
Thứ nhất, về chủ nhân nằm trong ngôi mộ. Trong sập đá khám thờ có hai bài vị đá. Bài vị bên trái (theo hướng nhìn ra) có ghi dòng chữ: “Thị nội Giám ty Lễ giám Thái giám Đề đốc Hiệp vệ Khuê Quận công tặng Thiếu bảo Nguyễn tướng công hiệu Thuần Hòa tặng thụy Thuần Cẩn am chủ”. Nghĩa là: Am chủ là tướng công Đề đốc Hiệp vệ Nguyễn Khuê, tên hiệu là Thuần Hòa, là Thị nội Giám ty Lễ giám Thái giám được tặng chức Thiếu Bảo, khi mất được ban tên thụy là Thuần Cẩn. Theo TS. Nguyễn Xuân Diện: Thời kỳ này, nhiều vị quận công được lấy tên đặt luôn cho tước. Ngài Nguyễn Khuê nên tên Khuê được lấy luôn để đặt thành Khuê quận công.
Bài vị bên phải có dòng chữ: “Quận phu nhân Lê quý thị hiệu Diệu Tín am chủ”. Nghĩa là: Am chủ là bà quận phu nhân họ Lê hiệu là Diệu Tín”.
Như vậy, am mộ đá là song táng vợ chồng ngài quan Thái giám Nguyễn Khuê.
Anh Trần Văn Quyến có tham khảo TS. Ueda (người Nhật Bản) hiện đang làm việc tại Đại học Việt Nhật nghiên cứu sâu về thời Lê Trịnh đặc biệt là chế độ Lục phiên và Hoạn quan thì được biết: Trong sách “Đại Việt sử ký tục biên” thì Nội giám Nguyễn Khuê được chúa Trịnh Cương bổ nhiệm Khuyến nông sứ năm 1725.
Người thừa kế và gìn giữ hương hỏa của am mộ là anh Lê Đức Thắng. Xét theo họ có lẽ Khuê Quận công không có con nối dõi hoặc giao quyền thừa kế cho họ Lê bên vợ?
Thứ hai, niên đại dựng am mộ là năm nào? Theo như tấm bia ở hông phía Đông của am thì am mộ được dựng năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731). Năm Tân Hợi này cũng là năm triều đình mở khoa thi. Tại kỳ thi này, Giám sinh Nguyễn Nghiễm, người Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Ông là thân sinh ra Nguyễn Khản, thi hào Nguyễn Du. Bia đá này đã được anh Trần Văn Quyến trong nhóm tìm hiểu về am đá của chúng tôi dập thành hai bản. Một bản lưu giữ, một bản giao cho anh Lê Đức Thắng giữ. Hiện tại, bia đá này được khắc chữ nhỏ, khắc nông và mòn nhiều. Thậm chí vài ba chỗ còn bị đục, chém.
Thứ ba, tượng đá được tạc ở hai bên am mộ. Tượng phía trái nhìn từ trong ra tạc một võ sĩ hai tay nắm lấy kiếm. Bên cạnh tượng phía trên có dòng chữ: “Tả thủ môn Trương Nghĩa Sĩ”. Nghĩa là: Nghĩa sĩ giữ cửa bên trái họ Trương. Tượng bên phải là một lão nô hai tay cầm thanh đao. Bên cạnh phía trên có dòng chữ: “Hữu thủ môn Lý Lão Nô”. Nghĩa là: Lão nô giữ cửa bên phải họ Lý.
Thứ tư, diện mạo am mộ. Am mộ được dựng trên nền đá có hình vuông, mỗi chiều khoảng 2,5m. Cao khoảng 2m. Cửa am mộ ở phía Nam. Am mộ như ngôi nhà có hiên chạy xung quanh. Bốn góc là 4 cột đá chống đỡ. Các đầu đao được tạo hình vân mây. Mái có đầu đốc. Hai bên đầu hồi là họa tiết vân mây hình lá đề. Ở thành am phía Bắc và Tây là hình cửa hai cánh. Mỗi cánh có 6 thang ngang. Giữa thành am mộ phía Đông là bia đá.
Phía trước, trên bậc đi lên am mộ đá Khuê quận công dựng hai con chó đá. Đây cũng là điểm khác biệt với lăng mộ Quận Vân ở xã Vân Tảo (cùng huyện, cách đó vài km) dựng tượng người và tượng voi, ngựa, nghê đá, chó đá trước lăng. Về niên đại, lăng Quận Vân dựng năm 1733, tức là sau am mộ Khuê Quận công 2 năm.
Ngoài lăng mộ đá, hai con chó đá canh trước mộ, còn có 7 cột đá được đẽo và đục vuông vức. Một tấm bia đá bị vỡ.
Anh Lê Đức Thắng cho biết: Hiện tại, gia đình không dám tu bổ gì lăng mộ đá mà chỉ gia cố gò đất để lăng đỡ bị xô lệch. Phía xa của khu đất anh đang dựng nhà thờ ba gian bằng bê tông. Nguyện vọng của anh Thắng là mong muốn ngành văn hóa tới nghiên cứu, xem xét và có thể xếp loại di tích đối với lăng mộ đá này. Từ đó, lăng đá sẽ được bảo tồn và thêm phần làm đẹp thêm cảnh quan của vùng quê Bình Vọng với cảnh quan đẹp như cầu ngói, chùa Báo Quốc, đình Bình Vọng…