Núp bóng hội phụ huynh
Vậy là sau khi “thu hộ” hội phụ huynh số tiền 40.000 đồng/học sinh để mua ghế ngồi 4 năm học, Trường THCS Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã phải trả lại vì bị “thổi còi”.
Tiền thì đương nhiên không thể giữ vì thu trái quy định, song câu chuyện “mượn danh” hội phụ huynh để lấp liếm việc làm sai của Ban Giám hiệu trường này là khó có thể chấp nhận. Các vị nên hiểu rằng, ngay cả hội phụ huynh đứng ra thu “tiền ghế ngồi” của học sinh cũng sai, đừng nói tới việc trường “thu hộ”.
Dư luận cho rằng, vào các dịp đầu năm học, không ít trường từ tiểu học, THCS đến THPT đều “vẽ” ra nhiều khoản tiền bất hợp lý, rồi núp bóng hội phụ huynh để lạm thu của cha mẹ học sinh. Song, chỉ có một số trường “không may”, hoặc “ăn vụng không biết chùi mép” mới xảy ra lình xình dẫn đến bị phát hiện. Trường hợp của Trường THCS Bình Chánh chính là một trong số đó khi khi “cốp dấu” của trường vào phiếu thu tiền phụ huynh học sinh.
Trên bình diện lý thuyết, từ Bộ GDĐT đến sở GDĐT, phòng GDĐT các địa phương đều khẳng định không cho phép các trường lạm thu của cha mẹ học sinh. Song, lại không hề có quy định “cứng” về việc kể cả hội phụ huynh đứng ra thu các khoản tiền vô lý cũng không được phép. Vì thế, hầu hết các trường đều “lách luật” bằng cách núp bóng hội phụ huynh để thu tiền của cha mẹ học sinh. Tiếng là thu tự nguyện, nhưng thử hỏi có mấy phụ huynh dám không đóng những khoản phí do hội phụ huynh đề ra?
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là luôn tập trung mọi nguồn lực chăm lo cho lớp mầm non tương lai của đất nước. Theo đó, ngoài khoản học phí phụ huynh học sinh phải đóng góp theo quy định của pháp luật, tất cả những khoản tiền phát sinh khác đều là các “chiêu” kiếm tiền của mỗi trường. Mỗi trường một kiểu, thiên hình vạn trạng, tìm đủ mọi cách để lạm thu tiền của cha mẹ học sinh. Từ đóng tiền để lắp rèm cửa, tiền lắp quạt, điều hòa, đến đóng tiền điện, tiền photocopy các bài giảng...
Để “giấu” hành vi lạm thu thì cách tốt nhất đối với các trường là “nhờ” hội phụ huynh ra mặt hộ, vừa nêu “sáng kiến” rồi thu tiền luôn. Về nguyên tắc, các trường phải có trách nhiệm bố trí mọi cơ sở vật chất trong trường học, từ rèm cửa, quạt, nước uống cho học sinh..., nếu có điều kiện hơn nữa thì lắp điều hòa. Song, hiện hầu hết các trường đều bắt phụ huynh học sinh đóng góp tiền mua rèm cửa, nước uống, điều hòa, thậm chí đóng tiền điện. Đến ghế nhựa ngồi ở sân trường cũng bắt cha mẹ học sinh đóng góp thì hết nói.
Nhiều ý kiến nêu vấn đề: Vì sao phụ huynh học sinh lại phải đóng tiền nước uống cho con? Rèm cửa thuộc cơ sở vật chất mà Nhà nước phải đầu tư, cớ sao lại bắt phụ huynh học sinh đóng góp? Thôi thì bảo điều hòa là xa xỉ, Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư nên nếu phụ huynh muốn con em mình được sử dụng thì phải đóng góp để mua, nhưng cớ sao lại thu tiền điện?
Nếu tất tần tật mọi thứ đều trông vào sự đóng góp của phụ huynh học sinh, vậy có khác gì bắt học sinh “mua chữ”? Làm gì có quy định nào của pháp luật khẳng định các trường chỉ cần có cái “xác nhà”, còn từ rèm cửa, nước uống, máy chiếu... phụ huynh học sinh phải góp tiền mua? Nếu cha mẹ học sinh không góp tiền mua, không lẽ các trường sẽ đóng cửa, không đón học sinh tới học nữa?
Đáng nói, ở hầu hết các trường, hội phụ huynh được lập ra thay vì nghĩ tới việc làm sao cho các con học tốt, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thì lại chỉ nhăm nhăm nghĩ đến việc “phát kiến” ra các khoản tiền vô lối để thu cho nhà trường. Những khoản tiền vừa liệt kê ở trên nếu không phải là hội phụ huynh của trường, của lớp đứng ra thu, liệu có mấy ban giám hiệu dám ngang nhiên thu rồi “triện mộc” như Trường THCS Bình Chánh? Tư duy của hầu hết các hội phụ huynh trở thành gánh nặng cho người nghèo.
Trước đây, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), học sinh hay phụ huynh nào có lòng, muốn bày tỏ sự tri ân đối với thày cô thì tự mua hoa, quà đến nhà. Song, nay thì đó là khoản thu gần như “bắt buộc” từ đầu năm, không có bất cứ phụ huynh nào dám từ chối nếu không muốn con mình bị “để ý”. Tại sao sự tri ân lại trở thành bắt buộc, những món quà, những chiếc phong bì vài triệu lẽ nào lại còn “to” hơn cả tự trọng của các thầy, các cô? Nếu các thày cô không mặc định nhận quà, liệu hội phụ huynh có sốt sắng thu tiền?
Tất cả những điều trên chắc chắn Bộ GDĐT biết. Vậy thì vì sao ngành giáo dục lại vẫn chấp nhận? Không hẳn là đồng ý, nhưng không xử lý được những khoản thu vô lý của các trường cũng là có lỗi với học sinh, phụ huynh, nhất là đối với những hộ gia đình nghèo. Với cung cách “thương mại hóa trường học” như vậy, liệu có thể tạo nên được những công dân trung thực, hữu ích trong tương lai?