Quyết liệt thu hồi tài sản tham nhũng
Tại phiên họp 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 14/9, đã cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020.
Một lần nữa, công tác PCTN lại được nhìn nhận một cách toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đến rất gần. Có thể nói, công tác PCTN là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, để làm trong sạch đội ngũ, chọn lựa bằng được đội ngũ lãnh đạo tiên phong, có tâm, có tầm để đảm đương sứ mạng lịch sử của đất nước, dân tộc.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua đã tiến hành rất nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra và cũng đã phát hiện nhiều sai phạm. Chỉ qua 4.706 cuộc thanh tra hành chính và 150.560 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, lực lượng thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 64.551 tỉ đồng, 7.077 ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỉ đồng và trên 1.174 ha đất.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, năm 2020 công tác PCTN không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.
Rất đáng chú ý, trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, về kết quả thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có 2.584 việc đã thi hành xong, chiếm 61,95% tổng số việc có điều kiện thi hành. So với 9 tháng năm 2019 tăng 1.782 việc, 222% với số tiền hơn 11.390 tỉ đồng (chiếm 23,25% tổng số tiền có điều kiện thi hành, tăng 5.217 tỉ đồng, 84,51% so với 9 tháng năm 2019).
Riêng những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, tính đến cuối tháng 7/2020, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tổ chức thi hành 58 vụ việc, trong đó 15 vụ việc đã được tổ chức thi hành xong. Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.539 tỉ đồng.
Nhìn vào những con số trên có thể thấy mức độ chiếm đoạt, cướp đoạt tài sản của các đối tượng tham nhũng là vô cùng lớn. Những con số chục ngàn tỷ đồng bị cướp đoạt đã làm nghèo đất nước. Hành động tội lỗi đó phải được coi là tội ác trong bối cảnh đất nước nước còn nghèo, phải chắt chiu từng li từng tí để tạo dựng nguồn lực phát triển, an sinh xã hội. Nếu số tiền khổng lồ ấy không bị chiếm đoạt thì chắc chắn sẽ là nguồn lực lớn trong việc xây dựng đất nước, chăm lo đời sống nhân dân.
Vì thế, việc thu hồi tài sản tham nhũng là rất quan trọng.
Mục đích lớn nhất của những kẻ tham nhũng chính là tiền bạc, càng cướp đoạt được càng nhiều càng tốt. Với số tiền đục khoét, cướp đoạt ấy chúng tạo ra “sức mạnh” cho chính mình, phe nhóm của mình cũng như có một cuộc sống xa hoa, không chỉ một đời mà nhiều đời cho dòng họ mình. Vì vậy, phải chặn bằng được mục đích ấy của những kẻ tham nhũng, nói rõ ra là phải bắt kẻ tham nhũng trả lại tiền bạc chúng đã chiếm đoạt.
Trước nay vẫn tồn tại câu nói “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Trong trường hợp này có thể hiểu rằng đối tượng tham nhũng dẫu có bị “mất ghế”, kể cả vào tù thì số tài sản chiếm đoạt được vẫn thừa đủ để con cái, gia đình có cuộc sống “trên tiền”. Đó chính là nỗi đau kéo dài trước tội phạm tham nhũng, khi mà tội lỗi chúng gây ra không được trừng phạt một cách đích đáng.
Vì thế, việc thu hồi tài sản do tham nhũng cần phải được làm quyết liệt hơn nữa. Phải thu hồi tài sản lại cho Nước, cho Dân; không thể chỉ xử lý bản thân đối tượng tham nhũng là xong. Nếu thế cũng chỉ là một nửa thành công, cũng chỉ là “đánh rắn giữa khúc” vì tài sản của Nước, của Dân vẫn bị cướp mất, mầm họa vẫn còn.
Tất nhiên ai cũng hiểu rằng, đưa được kẻ tham nhũng ra ánh sáng, chịu sự trừng trị của pháp luật là rất khó; việc thu hồi tài sản bị chúng chiếm đoạt cũng rất khó. Tài sản ấy rất có thể đã bị tẩu tán, “biến hóa” vào việc này việc khác, nơi này nơi khác, người này người khác. Chính vì thế lại càng cần phải có những biện pháp cứng rắn, đủ mạnh để thu hồi bằng được. Không nên chỉ hài lòng với việc loại được kẻ tham nhũng khỏi guồng máy, mà cùng đó phải là thu hồi bằng được số tài sản chúng đã chiếm đoạt. Chỉ có như vậy mới khiến những đối tượng tham nhũng, nhất là những kẻ lăm le tham nhũng phải khiếp sợ, không dám tham nhũng vì mục đích tham nhũng của chúng đã mất.
Trở lại vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, dù đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn ít so với yêu cầu. Phải chăng, do quá khó nên thu hồi được ít? Rất có thể, nhưng cũng chính vì thế càng cần phải đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa nhiệm vụ này. Làm được điều đó không chỉ là ngăn chặn tham nhũng, trừng trị kẻ tham nhũng, thu hồi tài sản của Nước, của Dân đã bị “giặc nội xâm” chiếm đoạt mà còn củng cố niềm tin cho toàn xã hội trong cuộc chiến chống tham nhũng, trước mắt cũng như lâu dài.