Khởi đầu mới cho Trung Đông
Ngày 15/9, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã chính thức hòa giải với Israel bằng việc ký các thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian tại buổi lễ diễn ra ở Nhà Trắng.
Thỏa thuận UAE-Israel được xác định là một hiệp ước hòa bình, trong khi thỏa thuận Bahrain-Israel là một tuyên bố hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tất cả các văn kiện này cùng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng hai nước UAE và Bahrain. Đây được coi là dấu mốc cực kỳ quan trong cho Trung Đông - vùng đất luôn được coi là tiềm ẩn xung đột vũ trang.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh thỏa thuận do Mỹ làm trung gian giữa UAE với Israel, cho rằng thỏa thuận này có thể thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Trung Đông. Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định của Israel về việc đình chỉ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine. Theo ông Dzhabarov, thỏa thuận Israel - UAE sẽ góp phần bình thường hóa tình hình khu vực vốn đã vô cùng trầm trọng.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu trước khi ký các thỏa thuận, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã gửi lời cảm ơn Israel vì đã ngừng các kế hoạch sáp nhập vùng lãnh thổ Palestine. “Thưa ngài Benjamin Netanyahu, Thủ tướng của Nhà nước Israel, cảm ơn vì ông đã lựa chọn hòa bình và ngừng sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine, một quyết định làm củng cố thêm ý chí chung của chúng ta nhằm có được một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau”- ông al Nahyan phát biểu một cách trịnh trọng.
Như vậy, UAE và Bahrain lần lượt trở thành quốc gia Arab thứ 3 và thứ 4 bình thường hóa quan hệ với Israel, sau Ai Cập vào năm 1979 và Jordan vào năm 1994.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh động thái mới này có khả năng chấm dứt xung đột Arab - Israel mãi mãi. “Đây là điểm then chốt của lịch sử, báo hiệu một khởi đầu mới về hòa bình”- ông Netanyahu nói. Tương tự, phát biểu trước hàng trăm người tham dự lễ ký thỏa thuận tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng “sau hàng thập kỷ bất đồng và xung đột, chúng ta đã xác lập một khởi đầu mới cho Trung Đông. Chúng ta có mặt ở đây để thay đổi lộ trình lịch sử”.
Ông Trump cũng cho biết, đang có thêm 5 quốc gia Arab ngỏ ý bình thường hóa quan hệ với Israel, phù hợp với những thỏa thuận then chốt giữa Nhà nước Do Thái với UAE và Bahrain.
Trở lại sự kiện trên, sau Ai Cập năm 1979, Jordan năm 1994 và Mauritania năm 1999, thì UAE là vương triều đầu tiên trong 6 vương triều ở khu vực vùng Vịnh thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Giới quan sát cho rằng sự nhất trí của Israel và UAE về công nhận ngoại giao lẫn nhau đã gỡ khó cho ông Trump trong vai trò trung gian hòa giải giữa Israel với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, với việc Israel chịu nhượng bộ ngừng triển khai thực hiện ý định sáp nhập một số khu vực lãnh thổ của người Palestine là điều mà trước đây “ít người dám nghĩ tới”. Động thái “bước qua lời nguyền” từ phía Israel đã khiến các nước trong thế giới Arab thở phào.
Chiến lược xuyên suốt của Mỹ và Israel từ rất nhiều thập kỷ nay là “đánh tỉa” nhằm phân rẽ nội bộ thế giới Arab, nhằm vô hiệu hoá sự ủng hộ và tình đoàn kết của các nước trong thế giới Arab dành cho Palestine. Nay, “gió đã đổi chiều”, bằng những thỏa thuận Israel với các nước trong khu vực sẽ lại là một tập hợp lực lượng mới để cùng đối phó với Iran khi nước Arab đã không còn coi Israel là kẻ thù.
Giới quan sát chính trị cho rằng, với những thỏa thuận mới đạt được giữa Israel và một số quốc gia trong khu vực thì nhiều bên được lợi, nhưng Palestine lại rơi vào thế bị động khi đối mặt với kiểu hòa bình do bên ngoài thiết kế. Cùng đó, Iran cũng buộc vào thay đổi sách lược khi không thể “đơn thương độc mã” trong khu vực, cho dù là quốc gia rất mạnh khi sở hữu những lò phản ứng hạt nhân.