Hồ đập mùa mưa lũ
An ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập là vấn đề hệ trọng có tính chiến lược trong phát triển của các quốc gia.
Ngày 16/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả 2 phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội”. Trong đó an toàn hồ đập là sự quan tâm rất lớn của người dân.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước mặt tại khu vực đầu nguồn tương đối tốt. Tuy nhiên, một số lưu vực sông đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, nhiều đoạn sông chất lượng nước ở mức kém và rất kém như lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
1. Đối với nước ngầm, từ năm 1990 trở lại đây, nguồn nước ngầm bị suy thoái cả về chất lượng và số lượng. Việc khai thác quá mức, tập trung ở một số khu vực như thành phố Hà Nội và TP HCM cho mực nước ngầm hạ thấp. Gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên kéo theo hiện tượng xâm mặn vào sâu qua các cửa sông gây ô nhiễm nguồn nước ngọt của các địa phương.
Ông Dũng cho biết, cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó có 429 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trên 14,5 tỷ m3. Đối với các hồ chứa nước lớn và vừa, chất lượng công trình cơ bản được bảo đảm, còn đối với hồ chứa nhỏ chất lượng xây dựng còn hạn chế. Hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp không bảo đảm khả năng thoát lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách, 65/888 hồ chứa nước lớn phải kiểm tra lại khả năng thoát lũ để bảo đảm an toàn công trình, nhiều hồ chứa vừa và nhỏ không có khả năng chống lũ. Do vậy, việc tích nước của các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
An ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập là vấn đề hệ trọng có tính chiến lược trong phát triển của các quốc gia. Do đó để có định hướng chiến lược, tập trung nguồn lực để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu của an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đã kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng để định hướng chỉ đạo, giải pháp tổng thể và nguồn lực đủ mạnh cho vấn đề này.
Ông Dũng cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội để bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn cho hồ, đập để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du, xem xét đưa vào kế hoạch 5 năm 2021-2025 những mục tiêu cấp bách. Bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện ngay các mục tiêu, cơ chế để đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập với một số nhiệm vụ cấp bách, cần thiết.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng kiến nghị giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước và cân đối nguồn vốn để bố trí đầu tư, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn cho 200 hồ, đập ở 33 tỉnh đang bị hư hỏng nặng và sửa chữa 1.200 hồ chứa để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du. Xử lý dứt điểm một số vấn đề liên quan đến di dân lòng hồ sông Đà phục vụ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La.
2. Thực tế cho thấy thời gian qua, nguy cơ mất an toàn hồ đập là rất lớn. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, khi các hồ đập xả lũ thì vùng hạ du gặp nguy hiểm. Cùng đó, việc một số hồ đập xuống cấp cũng tiềm ẩn rủi ro cao.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, với nhiều trạng thái thời tiết cực đoan thì những nguy cơ tiềm ẩn càng lớn hơn. Năm nay, theo cơ quan dự báo thời tiết, những tháng cuối năm khu vực miền Trung có thể sẽ hứng chịu 4 đến 5 cơn bão. Khu vực này lại có nhiều hồ, đập thủy điện, trong đó nhiều hồ đập thủy điện nhỏ mà mức độ an toàn thấp.
Từ Thanh Hóa cho tới Bình Thuận, hàng năm khi mưa bão lớn thì đều xuất hiện nỗi lo hồ đập. Năm nay, việc chủ động phòng tránh bão lũ phải làm ngay từ bây giờ, với tinh thần chủ động, kiên quyết.
Còn tại khu vực Tây Nguyên, dòng sông ngắn, độ dốc cao nên trong mưa bão thường xuất hiện lũ một cách bất ngờ. Khu vực này cũng có rất nhiều hồ, đạp thủy điện, thủy lợi nên việc tích cực kiểm tra, kiểm soát phải được đẩy mạnh.
Theo giới chuyên gia, một vấn đề rất đáng quan tâm chính là cần có sự chỉ đạo thống nhất trong việc vận hành liên hồ - đập, trong việc tích nước cũng như thoát nước. Nếu không làm được việc này thì nguy cơ từ những “túi bom nước” vẫn còn đó như một thách thức.
Vì sao bão hay vào miền Trung?
Hầu hết bão thường đi men theo rìa các áp cao và chịu lực hút từ các vùng áp thấp. Ở nước ta, những tháng mặt nước biển chứa nhiều năng lượng nhất (tháng 7,8,9) rãnh thấp thường nằm vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường theo đường đó mà đi. Miền Trung là nơi có thời tiết khắc nghiệt khi phải hứng chịu gió phơn Tây Nam. Gió này mang hơi ẩm nhiều (do đi qua biển Ấn Độ Dương), nên thường gây ra mưa. Do bị gió phơn ảnh hưởng, nên khi bão hình thành ở Biển Đông, sẽ bị gió đẩy lên trên phía bắc. Càng về các tháng sau gió càng yếu nên bão có xu hướng dịch chuyển dần về miền Trung.
Những trận bão biển và gió mùa Đông Bắc thường gây nên những trận mưa lớn ở miền Trung. Hơn thế nữa, những biến đổi thời tiết trên toàn thế giới như dòng nước El Nino và La Nina cũng khiến những trận bão biển, mưa lớn xảy ra khốc liệt hơn.
Bờ biển miền Trung dài 1200 km và gồm các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh gây ra lũ lụt với những thiệt hại to lớn về nhà cửa, mùa màng, cầu cống và đường xá.