Đổi mới đánh giá học sinh phổ thông: Thi cử cũng cần điều chỉnh cho phù hợp
Thông tư 26 của Bộ GDĐT đã đưa ra một số thay đổi về cách đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và THPT, đáng chú ý nhất là quy định mới về các loại kiểm tra, đánh giá.
Cùng với đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2021 sẽ diễn ra như thế nào?
Giảm áp lực điểm số
Hiện tại các trường vẫn đang áp dụng thông tư 58 quy định về đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT. Thông tư này bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là có những điểm không nhất quán và mang tính tiếp nối giữa cách đánh giá của bậc tiểu học, chưa phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu triển khai.
Vì vậy, việc ban hành Thông tư 26 trong thời điểm này được đánh giá là cần thiết và phù hợp. Theo đó, chương trình học sẽ có hai loại kiểm tra đánh giá: Kiểm tra, đánh giá thường xuyên (kiểm tra miệng, kiểm tra viết và thực hành dưới 1 tiết); Kiểm tra, đánh giá định kỳ (kiểm tra giữa và cuối kỳ). Mỗi môn học có 2 đầu điểm đánh giá định kỳ.
Với loại kiểm tra, đánh giá thường xuyên, số đầu điểm tùy thuộc vào số tiết học từng môn. Môn học có từ 35 tiết trở xuống/ năm học có 2 đầu điểm, môn học có từ 35 - 70 tiết/ năm học có 3 đầu điểm, môn học có từ 70 tiết/ năm học có 4 đầu điểm. Nghĩa là, các môn như Toán, Ngữ văn... tới đây cũng sẽ chỉ có 6 đầu điểm kiểm tra. Một số HS bày tỏ lo lắng khi bỏ bớt bài kiểm tra 1 tiết, nghĩa là nếu có bài kiểm tra nào bị điểm kém trong số các bài kiểm tra trên thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến điểm tổng kết, cũng không có cơ hội gỡ điểm như trước nữa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo học Trung học, Bộ GDĐT cho biết: Đánh giá thường xuyên là cách theo dõi và khích lệ sự tiến bộ của HS trong quá trình học tập nên quy định mới sẽ không khống chế số lần đánh giá thường xuyên. Những HS được đánh giá nhưng chưa đạt điểm tốt có thể có cơ hội để đánh giá lại bằng các hình thức khác nhau. Vì vậy, với một số ý kiến cho rằng nếu có bài kiểm tra 1 tiết thì HS sẽ có ý thức ôn tập trong chương trình học, kiến thức không bị dồn đọng, trên thực tế không đáng lo ngại vì thầy cô mỗi bộ môn sẽ có nhiều hình thức đánh giá khác nhau khiến HS không thể lơ là việc học.
Nhiều giáo viên đều bày tỏ sự đồng ý với việc bỏ các bài kiểm tra hệ số 2 sẽ giảm áp lực về điểm số và hạn chế tình trạng học tủ ở HS. Trong khi đó, việc đánh giá thường xuyên (tương đương bài hệ số 1) bằng nhiều hình thức như vấn đáp, nộp sản phẩm thực tế, làm bài trực tuyến... sẽ đa dạng hóa các hình thức kiểm tra. Từ đó giúp HS linh hoạt hơn trong cách học, tránh gây nhàm chán. Các thầy cô cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để dạy học.
“Việc kiểm tra đánh giá linh hoạt sẽ giúp HS rèn luyện và phát triển nhiều kỹ năng khác nhau - yêu cầu quan trọng hiện nay khi đến trường không chỉ là để học kiến thức mà còn trau dồi các kỹ năng khác nhằm hoàn thiện bản thân”- cô Nguyễn Thúy, Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam chia sẻ.
Yêu cầu đổi mới thi cử
Nhiều băn khoăn đang được đặt ra, việc thay đổi đánh giá thường xuyên và định kỳ đã có, vậy còn việc đổi mới thi cử thì sao? Từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho thấy có sự vênh nhau giữa điểm thi và điểm học bạ. Trong đó, Nghệ An là tỉnh có chênh lệch lớn nhất: Điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh cao hơn điểm trung bình các môn thi 1,7 điểm. Tiếp đó là Quảng Ninh (1,69), Phú Yên (1,67), Hà Giang (1,65), Hà Nội (1,47)... Có 46 tỉnh, thành có mức chênh lệch từ 1,0 đến 1,7.
Việc này được lý giải là do quá trình dạy học, thầy cô cho điểm HS có phần linh động hơn để động viên các em có động lực tiếp tục cố gắng. Còn các cán bộ coi thi, chấm thi đã làm việc rất nghiêm túc, khách quan. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng chưa phát hiện bất thường từ kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ. Độ tương thích chung trong dữ liệu của các địa phương tương đối tốt. Một số trường hợp vênh nhau, nơi nhiều, nơi ít nhưng ở bình diện chung vẫn chấp nhận được, chưa đến mức bất thường phải xử lý.
Từ phía các địa phương, bà Nguyễn Thị Thúy, giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh cho biết, kết quả đối sánh chính là bài toán mà Bộ GDĐT đưa ra để các địa phương nhìn thấy giữa việc chỉ đạo dạy và học với việc thi ra sao, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Thời gian tới sẽ có sự chấn chỉnh, tập trung yêu cầu các trường thực hiện tốt công tác đánh giá việc dạy và học của HS phải sát với thực lực.
Thầy cô dạy thật, đánh giá HS thực chất, trò học thật, điểm thật, không làm đẹp học bạ… là những gì xã hội kỳ vọng đối với ngành giáo dục nói chung, không chỉ ở cấp THPT mà còn ở toàn bộ khối phổ thông và đại học, cao đẳng…
Nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với hàng loạt thay đổi trong đánh giá HS các cấp thì việc đổi mới thi cử đi kèm với đó càng được đặt ra bức thiết hơn.
Trên thực tế, sau khi kết thúc kỳ thi lịch sử năm 2020 khi chia thành 2 đợt, những chi tiết của kỳ thi năm 2021 vẫn còn là dấu hỏi vì Bộ GDĐT chưa công bố bất cứ thông tin, phương hướng nào.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới cần được xem xét, điều chỉnh hết sức căn cơ, triệt để mới có thể đạt được mục tiêu xác định.
Bộ GDĐT cần công bố sớm định hướng và lộ trình thực hiện về chính sách, quy chế, kể cả khâu tổ chức, đề thi và định hướng trong xét tuyển để các trường đại học có thể điều chỉnh, thay đổi xét tuyển cho phù hợp.