Quyết liệt triển khai chương trình Chính phủ điện tử
Ngày 17/9, tại TP HCM đã diễn ra Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử năm 2020, với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp công nghệ”. Hội thảo có sự tham gia thảo luận, tư vấn, chia sẻ thông tin của lãnh đạo chính phủ, bộ ngành và các chuyên gia trong nước, quốc tế.
Sự kiện năm nay được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng Chính phủ Điện tử hướng đến Chính phủ Số.
Theo Ban tổ chức, đến hết tháng 8/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng dịch vụ công cũng đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký, hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng.
Từ tháng 3 đến nay, hệ thống thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công đã được triển khai, thực hiện trên 9.000 giao dịch. Song song đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cũng rất tích cực trong việc thúc đẩy hạ tầng công nghệ phục vụ Chính phủ Điện tử và xa hơn là Chính phủ Số.
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết, thực hiện chủ trương phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, các bộ, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc quyết liệt triển khai chương trình Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, đem lại những kết quả tích cực, tạo nền tảng cho chuyển đổi số của Chính phủ. Đơn cử như về cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, tính đến nay trung bình cả nước có 19% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Mục tiêu đến năm 2020, tối thiểu phải đạt tỉ lệ 30%.
Theo mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, Việt Nam cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, nhà nước. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số. “Để cụ thể hóa chủ trương này, hiện nay Bộ TTTT đang chuẩn bị trình chính phủ ban hành chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn nói.
Hiện tại, theo xếp hạng phát triển Chính phủ Điện tử của Liên hiệp quốc thì Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Tuy nhiên, để đạt tới mục tiêu tới năm 2025 sẽ nằm trong top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ Điện tử thì còn có rất nhiều việc cần thực hiện, cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TTTT), để vươn từ thứ 6 lên thứ 4 trong các nước ASEAN, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lập kế hoạch cho Chính phủ số, với lộ trình 2021-2025 và 2025-2030.
Đề cập về lộ trình xây dựng, phát triển Chính phủ số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ông Đường cho rằng, chuyển đổi số tức là thay đổi tổng thể và toàn diện về cách nghĩ, cách làm. “Việc chuyển đổi số, trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng, vì không ai dám thay đổi nếu người đứng đầu không cho phép. Ngoài ra, vì thay đổi toàn diện nên tất cả đều phải vào cuộc chứ không phải việc riêng của ngành công nghệ thông tin hay Bộ TTTT”, ông Đường nhấn mạnh.