Nông thôn An Giang khoác áo mới

Hồng Diễm 18/09/2020 09:30

Đến nay An Giang có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (trong đó có 1 huyện và 2 thành phố). An Giang cũng là một trong những địa phương dẫn đầu của vùng ĐBSCL về xây dựng nông thôn mới, người sống của người dân ngày càng được nâng chất.

Các em học sinh xã Mỹ Hiệp đi lại qua cầu bê tông chắc chắn.

Những miền quê khởi sắc

An Giang là 1 trong những địa phương có diện tích lớn nhất ĐBSCL. Chính vì vậy nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng khá lớn. Giai đoạn 2010 – 2019 toàn tỉnh đã huy động nguồn vốn gần 14.789 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” (NTM) ngày càng lan tỏa và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Sau nhiều năm xây dựng NTM, năm 2018 huyện Thoại Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM, với 14/14 xã đều đạt chuẩn. Trước đây, tuyến đường nối Ba Thê vào núi Tượng, núi Trọi là nỗi khổ của người dân ở xã vùng sâu An Bình (Thoại Sơn). Được hưởng lợi từ NTM, giờ đây tuyến đường chính nối tỉnh lộ 943 (đoạn thị trấn Óc Eo) về trung tâm xã An Bình đã được láng nhựa thẳng tắp. Ông Nguyễn Văn A (ngụ ấp Sơn Hiệp, xã An Bình, huyện Thoại Sơn) nhớ lại: “Hồi đó, tuyến lộ này được đắp đất, trời nắng thì bụi mịt mù, mưa thì lầy lội, đến đi bộ còn khó khăn. Thời điểm những năm 2000, học sinh từ cấp 2 phải đạp xe 7 đến 8 cây số ra học dưới chân núi Ba Thê (nay thuộc thị trấn Óc Eo). Tụi nhỏ thường vót thanh tre mang theo để cạy bùn dính bánh xe. Mùa nước nổi, học sinh thức dậy lúc 3-4 giờ sáng đón đò ra Ba Thê bởi con đường bị nước ngập đến ngang ngực…”

Rời huyện Thoại Sơn, đến huyện Tri Tôn là huyện miền núi có đông đồng bào Khmer, xuất phát điểm NTM rất thấp nhưng đối với những xã NTM như Vĩnh Gia, Tà Đảnh và mới đây nhất là Lương Phi, bộ mặt nông thôn đã thay đổi từng ngày. Nhờ NTM mà cuộc sống của đồng bào Khmer thay đổi hẳn.

Vài năm trước, nhiều hộ dân sống dọc theo kênh 13 (xã Núi Tô, Tri Tôn) đi lại rất khó khăn do giao thông cách trở. Nhưng với sự lan tỏa của phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” đã khuyến khích tinh thần đóng góp xây dựng cầu kênh 5 nối 2 bờ kênh 13 (xã Núi Tô và Tà Đảnh, Tri Tôn). Giờ đây, những cây cầu khang trang đã nối liền đôi bờ, đường xá thông thương thuận tiện học sinh đi học thuận lợi, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa không còn phải lụy đò.

Đổi mới trên quê hương Mỹ Hiệp anh hùng

Năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp đó đến cuối năm 2019 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trở thành xã đầu tiên của huyện Chợ Mới đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Với khẩu hiệu “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thời gian qua xã Mỹ Hiệp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ nhân dân, nhiều công trình, phần việc ý nghĩa mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống người dân.

Từ TP Long Xuyên sau khi qua 2 lần đò chúng tôi được anh Thành cán bộ Mặt trận xã Mỹ Hiệp dẫn đường thăm nhiều công trình do Mặt trận xã vận động thực hiện. Vừa đi anh Thành vừa nhiệt tình chỉ cho chúng tôi những cây cầu bê tông nối liền 2 bờ các kênh. Cảm nhận được niềm hân hoan trong từng câu chuyện mà anh Thành chia sẻ với chúng tôi một người con sinh ra, lớn lên và chứng kiến bao sự đổi thay của vùng đất này. Trước đây, đời sống người dân xã Mỹ Hiệp gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn kênh rạch chằng chịt, đường xá cách trở, đi lại khó khăn. Nhờ sự vận động xã hội hóa từ Mặt trận nhiều cây cầu bê tông vừng chãi đã thay thế cho các cây cầu cây, cầu ván xập xệ. Giới thiệu với chúng tôi về cây cầu Ngang ở ấp Đông vừa mới được khánh thành, nối liền tổ 9 và tổ 13, anh Thanh hào hứng khoe “Cây cầu này cũng do Mặt trận xã vận động các Mạnh thường quân và bà con đóng góp hơn 360 triệu đồng, nhóm thợ xây cầu không lấy tiền, bà con thay nhau góp ngày công, nấu cơm gần 2 tháng, vừa mới xong được 2 ngày nay”

Gặp chúng tôi, bà Võ Thị Kim Phượng (66 tuổi) nhà khu vực này, phấn khởi chia sẻ: “Dân ở đây chủ yếu làm vườn, khu vực này lại đông dân cư, rồi nhiều học sinh đi học nữa. Lúc trước có cầu ván nhưng cũng xập xệ, vài năm là phải làm lại. Giờ làm được cây cầu bê tông này là quá tốt rồi, bà con đi lại dễ dàng, chở nông sản thuận lợi…”

Nhiều năm nay, nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Hiệp đã không ngừng khởi sắc, chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Mai Điện Chủ tịch MTTQ xã Mỹ Hiệp, cho biết: Quá trình xây dựng nông thôn mới xã nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Tính đến nay số hộ nghèo trên toàn xã giảm còn dưới 1%, chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai, nhiều mô hình giảm nghèo, tuyên truyền pháp luật của Mặt trận phát huy hiệu quả, hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn về nhà ở được tiếp cận nguồn vốn xây nhà Đại đoàn kết. Trong 5 năm qua, Mặt trận xã đã vận động xã hội hóa xây dựng nhiều tuyến lộ nông thôn, xây dựng 47 cây cầu bê tông với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của xã đạt 56,348 triệu đồng/người/năm.

“Bộ mặt nông thôn xã Mỹ Hiệp đã thay đổi rất nhiều so với những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường, trường, trạm kể cả các chợ đều khang trang, sạch sẽ đã góp phần vào sự phát triển chung của xã.

Tính đến nay, có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (trong đó có 1 huyện (Thoại Sơn) và 2 thành phố (TP Long Xuyên và TP Châu Đốc). Có 61/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 51,26%; bình quân toàn tỉnh đạt 15,25 tiêu chí/ xã không có xã nào dưới 9 tiêu chí...

Hồng Diễm