Cờ Đỏ về đích huyện nông thôn mới
Qua hơn 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ) đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo và đời sống của người dân vùng ngoại thành. Đến nay, 9/9 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó xã Trung An đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngày 1/9/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định công nhận huyện Cờ Đỏ đạt chuẩn NTM.
Giúp dân tăng thu nhập
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, hơn 9 năm qua, huyện Cờ Đỏ đã phát huy nội lực, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp đồng bộ. Theo ông Nguyễn Trường Thọ, Quyền Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo phân định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành, đoàn thể để chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện. Nhìn chung, việc xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến nhận thức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo lãnh đạo huyện, Cờ Đỏ là huyện vùng ven thành phố, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 28.006 ha, có 116.610 người (trong đó có 80.263 người sống bằng nghề nông nghiệp). Với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo các ngành thực hiện quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, quan tâm hỗ trợ nhân dân về khoa học kỹ thuật và vay vốn, vận động nhân dân xây dựng mô hình cánh đồng lớn để sản xuất lúa chất lượng cao đạt chất lượng xuất khẩu. Quản lý và khai thác tốt các công trình, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nâng cấp, nạo vét các công trình thủy lợi tạo nguồn và nội đồng, bảo đảm nước tưới tiêu. Đồng thời, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành huyện và các xã, thị trấn liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân trong sản xuất và bao tiêu nông sản. Nhờ vậy, diện tích cánh đồng lớn tăng theo từng năm, đến năm 2019 huyện có hơn 32.500 ha, có 12 doanh nghiệp bao tiêu.
Ông Nguyễn Văn Tư, nông dân ấp Thới Trung A, xã Thới Xuân, nói: “Tôi có 5 công ruộng đã tham gia mô hình cánh đồng lớn nhiều năm nay, được chính quyền hỗ trợ sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu lúa nên tiết kiệm được chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất cao hơn bên ngoài mô hình 500 ngàn đồng/công”. Theo lãnh đạo huyện, mỗi ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn lợi nhuận đạt gần 75 triệu đồng/ năm, cao hơn ngoài mô hình là 4,5 – 5,5 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh phát triển rau màu, thủy sản, kinh tế vườn. Tính đến nay, toàn huyện có 4.500 ha rau màu, hơn 5.000 ha thủy sản và 3.856 ha cây ăn trái.
Anh Nguyễn Văn Nhanh, nông dân ấp 2, xã Thới Hưng, khoe: “Được sự hỗ trợ vay vốn của Hội Nông dân xã, anh đã chuyển 1,5ha ruộng lúa sang trồng bí đao, mỗi năm sản xuất và thu hoạch 3 vụ thu lời hơn 250 triệu đồng. Còn anh Huỳnh Hữu Lộc, nông dân ở ấp 8, xã Thới Hưng, cho biết, gia đình anh có 2 ha ruộng chuyển sang trồng xoài, mỗi năm hoa lợi hơn 350 triệu đồng. Nhờ thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp, đến nay, giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 174 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 53,5 triệu đồng, tăng hơn 30 triệu đồng so năm 2011.
Công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành, đoàn thể huyện quan tâm thực hiện tốt. Hơn 9 năm qua, Ủy ban MTTQ huyện vận động các nguồn lực được hơn 38,2 tỉ đồng hỗ trợ xây mới 1.286 căn nhà và sửa chữa 79 căn nhà tặng hộ nghèo. Các tổ chức thành viên của MTTQ huy động các nguồn lực được hơn 8,2 tỉ đồng xây dựng nhà ở cho hộ khó khăn, đã huy động các nguồn lực xây mới 271 căn nhà và sửa chữa 204 căn nhà tặng đoàn viên, hội viên, góp phần giảm thiểu nhà tạm, dột nát ở khu dân cư. Anh Thạch Bình, người dân tộc Khmer ở ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, phấn khởi nói: “Gia đình tôi được hỗ trợ tiền xây nhà Đại đoàn kết và nuôi dê nên đã thoát nghèo năm 2019”. Nhờ chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế và quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,81%…
Diện mạo mới
Ở huyện Cờ Đỏ hôm nay diện mạo nông thôn được đổi mới, đường sá từ trung tâm huyện đến các ấp được trải nhựa, tráng bê tông sạch đẹp; trường học, bệnh viện, trạm y tế, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, chợ nông thôn… được xây dựng khang trang. Ông Nguyễn Trường Thọ, Quyền Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã hiểu rõ mình là chủ thể trong xây dựng và hưởng thụ thành quả NTM, từ đó đã chung sức, đồng lòng hiến đất, đóng góp tiền và ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng. Ông Đoàn Văn Niên, người dân ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, bộc bạch: “Xây dựng NTM là trách nhiệm của nhân dân và nhân dân chính là người hưởng thụ. Vì thế, khi chính quyền vận động đóng góp gia đình tôi đồng tình đóng góp. Năm 2019, gia đình tôi đã đóng góp 3 triệu đồng và 20 ngày công bắc cầu Rạch Ruộng”. Đến nay, đường trục chính đã được nhựa hoá đạt 100%, xe ôtô đều đến được trung tâm xã; đường trục ấp được cứng hóa và xây dựng đường bê tông liên ấp đều đạt trên 74,5%; đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100%.
Các cấp, các ngành huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng hệ thống thu gom rác tại các địa phương; xây dựng các mô hình như: “Phụ nữ phân loại, xử lý rác tại gia đình”; “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”; “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”… Từ đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt các khu vực nội thị được thu gom và xử lý đạt từ 80% trở lên; môi trường sống luôn trong sạch.
Huyện ủy và UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các lực lượng thực hiện các biện pháp trấn áp các loại tội phạm; phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm như cổng rào an ninh trật tự, đèn trước ngõ mõ trong nhà, camera an ninh... nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được các cấp, các ngành, đoàn thể chú trọng nên đã đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ông Nguyễn Trường Thọ còn cho biết: Hơn 9 năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực được trên 5.800 tỉ đồng xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách 1.379 tỉ đồng, vốn tín dụng 3.788 tỉ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp 457 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 193 tỉ đồng. Đến cuối năm 2018, huyện có 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và ngày 1-9-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký quyết định công nhận Cờ Đỏ đạt chuẩn huyện NTM. Nhờ đẩy mạnh xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao; đời sống văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, những giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, chất lượng giáo dục, y tế được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được đảm bảo.
“Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2020-2025 huyện xác định xây dựng 6 xã nông thôn mới nâng cao, xã Trung An đạt tiêu chuẩn đô thị loại V”, ông Nguyễn Trường Thọ thông tin.
Có thể khẳng định, thành quả mà huyện Cờ Đỏ đạt được trong phong trào xây dựng NTM là kết tinh từ sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện, cùng sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành Trung ương, của thành phố và cộng đồng các doanh nghiệp.