Khi nông sản Việt tiến vào EU
Chỉ một thời gian rất ngắn EVFTA có hiệu lực (kể từ ngày 1/8/2020), nông sản Việt Nam đã “lên đường” tiến vào một thị trường đầy tiềm năng, khi mà EU có tới 27 quốc gia thành viên, hơn 300 triệu dân, tiềm lực kinh tế dồi dào.
Ngày 16/9, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu 14 container với số lượng 296 tấn cà phê đến Hamburg, Antwerp của Bỉ và Đức. Ngày 17/9, tại trụ sở Cty VINA T&T Group (Bến Tre) diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô hàng hoa quả đi châu Âu. Như vậy, trong 2 ngày liên tiếp Việt Nam đã xuất những lô hàng đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA).
Chỉ một thời gian rất ngắn EVFTA có hiệu lực (kể từ ngày 1/8/2020), nông sản Việt Nam đã “lên đường” tiến vào một thị trường đầy tiềm năng, khi mà EU có tới 27 quốc gia thành viên, hơn 300 triệu dân, tiềm lực kinh tế dồi dào.
Điều này càng có ý nghĩa khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc xuất nhập khẩu khó khăn buộc nhiều quốc gia phải đóng của biên giới để chống dịch. Và cũng thật ý nghĩa khi mở được cánh cửa sang châu Âu với nhiều thuận lợi từ EVFTA, chúng ta đã có thêm thị trường mới với khả năng tiêu thụ cao, không quá phụ thuộc vào một vài thị trường vốn được coi là “truyền thống”.
Tới thời điểm này hoàn toàn có thể khẳng định năng lực rất lớn của nông nghiệp Việt Nam, không chỉ là “vịnh trú ẩn” khi nền kinh tế bị tổn thương, cũng không chỉ là “trụ đỡ của nền kinh tế” mà đã vượt lên, vươn xa chinh phục nhiều thị trường, trong đó có những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao. Việt Nam không chỉ dừng lại ở chỗ tự hào về lúa gạo, mà còn ở nhiều loại trái cây, nhiều mặt hàng thủy sản.
Cũng cần nhắc lại, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam có thể hưởng lợi nếu đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ EU.
Cụ thể, từ ngày 1/8/2020, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia… khi họ chưa có hiệp định thương mại tự do với EU.
Rất mừng, nhưng theo giới chuyên gia, cũng không thể chủ quan mà phải luôn nhớ rằng EU là thị trường giàu có nhưng cũng rất khó tính, với những quy định khắt khe về chất lượng hàng hóa. Điều đó đòi hỏi phải làm ăn rất nghiêm túc mới có thể đứng chân ở thị trường này.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, EVFTA được thực thi, nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ có lợi thế cạnh tranh. Song, muốn gia tăng xuất khẩu, nông sản bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices - thực hành nông nghiệp tốt).
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa nông sản Việt tới được với các thị trường đòi hỏi cao, người sản xuất bất kể ở quy mô lớn hay nhỏ đều phải tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, trong đó chất lượng và an toàn thực phẩm phải là vấn đề tiên quyết. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng không được “quên” các yếu tố khác tưởng chừng không ăn nhập với sản phẩm, đó là tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, môi trường...
Ở một góc nhìn “khách quan từ bên ngoài”, theo Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh doanh quốc tế thuộc Đại học RMIT, không bao giờ được quên rằng EU áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật thuộc hàng cao nhất thế giới. Những tiêu chuẩn này có thể sẽ ngặt nghèo hơn nữa sau đại dịch Covid -19. Châu Âu cũng đề cao việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật hơn nhiều khu vực khác.
Như vậy, với riêng EU khi thực hiện EVFTA, có thể nói một cách hình ảnh rằng cánh cửa thị trường đã mở nhưng không phải là không có khóa, không có chuyện muốn vào thì vào muốn ra thì ra. Vào đã khó mà ra còn phải chịu phạt.
Thực tế những vụ “trả hàng” thời gian qua cho thấy không bao giờ được phép làm ăn qua quít mà phải tuân thủ rất chặt chẽ đòi hỏi của từng thị trường. Phải lường được những hàng rào kĩ thuật để vượt qua, tránh sa lầy trong những cuộc chiến pháp lý hết sức phức tạp mà phần thất bại coi như đã được báo trước.
Tuy vậy, thì EVFTA vẫn là cú hích quan trọng cho hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản. Thực tế cho thấy, chưa bao giờ chúng ta có điều kiện thuận lợi như bây giờ khi tiến vào thị trường châu Âu với nhiều chủng loại hàng nông sản chất lượng cao.