Khởi công vở diễn 'Cây gậy thần': Kết hợp nghệ thuật xiếc và cải lương

Minh Quân 19/09/2020 06:00

Ngày 18/9, tại Hà Nội, lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã bắt tay với Nhà hát Cải lương Việt Nam khởi công vở diễn “Cây gậy thần” (Chử Đồng Tử - Tiên Dung).

Ban tổ chức thông tin về vở diễn “Cây gậy thần” (Chử Đồng Tử - Tiên Dung).

Cách làm mới

“Cây gậy thần” (Chử Đồng Tử - Tiên Dung) là vở diễn đặt hàng của Bộ VHTTDL đối với 2 đơn vị.

Đây cũng là tác phẩm đầu tiên trong dự án nghệ thuật chung của 2 đơn vị “Huyền sử Việt” gồm 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thánh bất tử “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người Việt, đó là Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh và Thánh Gióng.

“Huyền sử Việt” được xây dựng để thêm một lần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là một sáng tạo mang yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo hơn nữa đến với nghệ thuật biểu diễn. Huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một mối thiên duyên vô tiền, khoáng hậu - một thiên diễn tình bất hủ thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người.

Câu chuyện đã ăn sâu bén rễ vào trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Một câu chuyện thấm đẫm chất thơ và nhiều những chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh.

Được biết, vở diễn được dàn dựng dựa trên kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện - Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Đây cũng là một tác giả dày dặn kinh nghiệm và bút pháp uyên thâm trong kịch bản về đề tài huyền thoại.

Chính tác giả Hoàng Luyện đã thổi hồn vào câu chuyện cổ tích “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” bằng ngôn ngữ sân khấu qua tác phẩm “Cây gậy thần”.

Đặc biệt, vở diễn còn được tác giả Lê Thế Song - con rể của ông chỉnh lý để phù hợp với cả hai loại hình cải lương và xiếc. Thông qua đó, yếu tố truyền thuyết mang đậm màu sắc huyền ảo của tác phẩm “Cây gậy thần” sẽ được các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng để kiến tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, nhân văn với các lớp diễn đan xen mang tính giải trí cao của hai loại hình đặc biệt.

Một điểm nhấn khác của vở diễn đó là sự góp mặt ekip sáng tạo là những nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực sân khấu.

Như NSND Đào Trung đảm nhận phần sáng tác âm nhạc; NSƯT Doãn Bằng đảm nhận phần thiết kế mỹ thuật; Biên đạo múa Thành Nam; Thiết kế trang phục NSƯT Minh Hùng; Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền… bên cạnh dàn nghệ sĩ trẻ, tài năng của 2 nhà hát.

Đặc biệt, đồng đạo diễn là NSND Tống Toàn Thắng và NSND Triệu Trung Kiên sẽ cùng chung tay, “kẻ tung, người hứng” phát huy tối đa ưu thế của hai loại hình nghệ thuật để tạo nên những bất ngờ thú vị cho người xem.

Kỳ vọng vào sự đột phá

Chia sẻ tại lễ khởi công, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu Cải lương Việt Nam, đã từng có sự kết hợp giữa cải lương và nghệ thuật xiếc. Những màn đua ngựa, đu bay, phóng dao, phun lửa… đã từng xuất hiện trên sân khấu cải lương từ những thập kỳ đầu của thế kỷ 20. Thế nhưng lần này sẽ là lần kết hợp toàn diện nhất giữa cải lương và xiếc.

NSND Triệu Trung Kiên cũng bày tỏ, vở diễn sẽ hướng tới đối tượng khán giả từ trẻ em đến người lớn đến và có cả phiên bản cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Không chỉ vậy, sân khấu thể hiện cũng sẽ hết sức đa dạng từ sân khấu tròn đến sân khấu hộp. Theo kế hoạch, 2 đơn vị sẽ cùng phối hợp biểu diễn thường xuyên để khai thác được tối đa tác phẩm. Hy vọng với câu chuyện về một vị thánh bất tử của người Việt, kết hợp với nghệ thuật xiếc và cải lương vở diễn sẽ tạo nên sự tò mò, thích thú không chỉ với người Việt Nam mà cả du khách quốc tế…

“Đây là sản phẩm vừa đương đại, vừa truyền thống nên sẽ tạo được sức hút và phát huy ưu thế của từng loại hình. Ở đó, yếu tố kỳ lạ của xiếc sẽ bổ trợ cho cải lương. Như những màn biến hóa tạo người thành vật, người bị cắt…”, NSND Triệu Trung Kiên cho biết thêm.

Còn theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thông qua nội dung và chuyển tải ngôn ngữ cải lương, những nghệ sĩ xiếc sẽ minh họa cho những lời ca, nhân vật, bằng những kỹ xảo, kỹ năng và sự liên kết tới khán giả. Chúng tôi muốn tạo ra một sân chơi mới cho nghệ sĩ của 2 nhà hát. Thông qua đó các nghệ sĩ có thể chia sẻ, trau dồi với nhau về kỹ năng nghệ thuật. Đặc biệt đây là một vở diễn mang yếu tố giải trí sẽ mang đến cho khán giả một hình thức nghệ thuật mới, một sân khấu mới.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, vở diễn sẽ có một cách làm mới với một sân khấu lập thể, diễn viên sẽ ở ngay trong thành phần khán giả và hòa mình vào khán giả ở cả 4 chiều của sân khấu. Ở mỗi chiều sẽ tạo ra những tương tác cho nghệ sĩ. Đơn cử, như nghệ sĩ cải lương ở thời điểm đó đang ca vọng cổ, thì điểm cao sẽ là hành động của xiếc. Các nghệ sĩ sẽ không thể thoại được mà chỉ bằng nội dung, tình tiết, xử lý sự phối hợp trở thành câu chuyện kể thực sự, tạo ra những trường đoạn cảm xúc…

“Chúng tôi tin tưởng với sự sáng tạo của ekip, sự hấp dẫn của tính giải trí được hòa hợp hợp lý lan tỏa nhiều hơn huyền tích của lịch sử tới nhiều đối tượng khán giả”, ông Thắng nói.

Minh Quân