Thời cơ mới cho nông sản Việt
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã “mở toang cánh cửa vào châu Âu cho nông sản Việt Nam”- đó là nhận định của giới chuyên gia kinh tế. EVFTA đã đưa mức thuế suất xuống 0% với rất nhiều mặt hàng, trong khi ưu thế vượt trội của hàng hóa Việt Nam lại chính là nông sản.
Những chuyến trái cây, cà phê… đầu tiên của Việt Nam đã lên đường sang châu Âu ngay sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực (từ 1/8/2020). Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khuyến cáo, không thể chủ quan vì EU là thị trường đòi hỏi chất lượng cao bậc nhất thế giới.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra thời cơ mới cho nhiều mặt hàng nông sản vào thị trường châu Âu (EU) với thuế suất 0%. Đây cũng là cơ hội để nông sản Việt chuyển dịch mạnh mẽ từ lượng sang chất, tăng chế biến sâu, góp phần nâng cao chuỗi giá trị. Đặc biệt, để tận dụng tốt được EVFTA các DN cần nhận diện và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất từ phía EU.
Tín hiệu vui
Hiệp đinh EVFTA đã ngay lập tức tác động tới xuất khẩu nông sản, thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU, trong đó vừa qua chúng ta chứng kiến các Lễ xuất khẩu nông sản sang EU như: Lô trái cây gồm dừa, bưởi và thanh long tại Gia Lai ngày 17/9; cà phê và chanh leo tại Gia Lai ngày 16/9; tôm nước lợ tại Ninh Thuận ngày 11/9. Cuối tháng 8 vừa qua, những lô gạo đầu tiên của Việt Nam cũng lên đường sang EU. Các lô hàng đều hưởng thuế suất 0%.
Đối với ngành rau quả, Việt Nam có lợi thế khác biệt về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh thái với chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả.
Diện tích cây ăn quả trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng nhanh, năm 2019, diện tích cây ăn quả đạt 964 nghìn ha, tăng 56,4 nghìn ha so với năm 2018, sản lượng đạt 9,3 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt trên 6%/năm. Những năm gần đây, Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn mở rộng thị trường cho mặt hàng trái cây.
Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand....
Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (từ 6-30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng 1- 6 năm), cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi…). Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...).
Như vậy, trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU, 7 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu trái cây đạt 59,18 triệu USD (chiếm 73,54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang EU), trong đó các loại trái cây chưa qua chế biến (tươi, khô, đông lạnh...) chiếm tới 49,6% (so với cùng kỳ 2019 là 49,9%), trái cây chế biến chiếm 33,4% (cùng kỳ 2019 là 35,9%). Giá trị xuất khẩu nông- lâm- thuỷ sản vào EU trong tháng 8, 9/2020 cũng tăng từ 17-20% so với tháng trước. Tăng trưởng nhanh ở một thị trường cao cấp, khó tính ngay khi Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực đã có thấy những đổi thay tích cực của nông sản Việt.
Theo Bộ NNPTNT, lợi thế bước đầu là cơ sở để từng ngành hàng hoàn thiện chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh: Chúng ta phải xác định tập trung là đạt chuẩn, làm thương hiệu và tận dụng mọi cơ hội để sản phẩm nông sản Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng trái cây sẽ đi được toàn bộ 27 nước của Liên minh châu Âu.
Chưa vội mừng
Tuy những container nông sản đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA là tín hiệu vui, nhưng chưa thể nói lên sự bền vững. Bởi để tận dụng tốt được EVFTA các DN cần nhận diện và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất từ phía EU. Đơn cử mặt hàng cà phê, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, nhưng mới chỉ dừng ở xuất khẩu thô.
Theo đại diện 1 doanh nghiệp, để tiếp cận với các nhà nhập khẩu lớn ở châu Âu, từ đó xuất khẩu được cà phê rang xay thì chỉ dẫn địa lý là một vấn đề lớn với cà phê Việt Nam. Chúng ta đang có 39 địa lý chỉ dẫn, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Hiện cà phê Gia Lai, Lâm Đồng, Đắc Nông… chưa có địa lý chỉ dẫn. Đây là khó khăn, rào cản lớn nhất đối với DN. Hiện một số DN đang đề nghị các Sở, Ban ngành hướng dẫn chỉ đạo, hỗ trợ DN làm địa lý chỉ dẫn vùng miền để DN có cơ hội được rộng mở hơn.
Bên cạnh đó, với mặt hàng thuỷ sản, người tiêu dùng EU lại tin tưởng tiêu chuẩn ASC hơn là GlobGAP, bởi tiêu chuẩn ASC không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn quan tâm đến bảo vệ môi trường, lao động và phúc lợi động vật. Những yếu tố mà nhiều DN Việt Nam còn xem nhẹ hoặc chưa có kinh nghiệm. Mặt khác, có tới 77% DN không biết hoặc lần đầu nghe nói tới Hiệp định này, trong đó có các DN xuất khẩu nông sản…
Tham dự lễ xuất khẩu nông sản sang EU vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, EU mở cửa về thuế quan nhưng yêu cầu rất chặt chẽ về hàng rào kỹ thuật nên bà con nông dân, doanh nghiệp chú ý, cần hiểu cặn kẽ yêu cầu thị trường (chất lượng, an toàn thực phẩm và xuất xứ). Đề nghị doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là những thử thách đáng lo và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dài hơi bên cạnh niềm vui xuất khẩu những lô hàng nông sản vừa qua.
Ông Jacques Poulain đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) khuyến nghị: Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn về quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để không gây độc hại cho người tiêu dùng.
Khẳng định EVFTA đem lại rất nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam sang EU khi thuế giảm, nhưng bên cạnh đó sẽ là những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, hàng rào kỹ thuật. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Về vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm và xuất xứ đảm bảo tiêu chuẩn của EU, không gì bằng là phải tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi. Trong đó đảm bảo liên kết chặt chẽ của các DN, HTX với bà con nông dân để hình thành quy trình khép kín từ khâu tổ chức nguyên liệu, cho đến khâu chế biến và đến các DN tham gia trong chuỗi tổ chức thương mại phải gắn kết, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
*EU, những thông tin cơ bản
Dân số 2019: 511,8 triệu người; GDP 2019: 18.292 nghìn tỷ USD, GDP đầu người 2019: 35,623 USD/người/năm. Thương mại chung giữa Việt Nam với EU 2019: XK: 41,5 tỷ USD; NK: 14,9 tỷ USD. Thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và EU 2019: XK: 4,6 tỷ USD; NK: 1 tỷ USD, là thị trường lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. FDI của EU vào Việt Nam: 25,49 tỷ đô la Mỹ, chiếm 7% tổng FDI vào Việt Nam (tính lũy kế đến hết 2019). FDI của EU vào nông nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng công nghệ cao, lĩnh vực chế biến sâu. Hiện nay có 44 dự án FDI từ các nước EU đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam với tổng số vốn đầu tư hơn 208 triệu USD.
*Hạn ngạch thuế quan ưu đãi EVFTA dành cho nông sản Việt
Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch XK của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.
Đường: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.
Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Gỗ và các sản phẩm gỗ hầu hết sẽ xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực...