Người đưa Nhật Bản tiến lên phía trước trong bối cảnh khó khăn

Thế Tuấn 20/09/2020 08:00

Trong tuần, sự kiện thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế chính là việc vào ngày 14/9, ông Suga Yoshihide đã trở thành Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP). Sau đó 2 ngày, ngày 16/9, ông Suga trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản.

Ông Suga Yoshihide trong vòng vây những người ủng hộ. Ảnh: AP.

1. Một năm (tháng 9/2020 đến tháng 10/2021) sẽ là thời gian vàng để ông Suga chứng tỏ năng lực, chuẩn bị vị trí và tâm thế cho nhiệm kỳ Thủ tướng kế tiếp.

Trước mắt, giới quan sát chính trường Nhật Bản cho rằng, tân Thủ tướng Suga Yoshihide phải “hoàn thành một cách hoàn hảo 3 việc”. Thứ nhất là bổ nhiệm nội các. Khi mà ông Suga từng tự hào ở vào vị thế trung lập trong LDP, thì cũng có nghĩa là ông không có nhiều quan chức thân cận, phù hợp để đưa vào nội các mới. “Khó tìm người có chung hoài bão”- đó là thách thức đầu tiên đối với ông Suga tuy ông đã thành lập được nội các. Thứ hai, đó là khả năng lãnh đạo. Dù rằng ông Suga đã làm rất tốt vai trò Chánh Văn phòng nội các, kể cả việc điều phối, thúc đẩy chính sách hậu trường thì việc phải đưa ra những quyết định lớn trên cương vị Thủ tướng lại là việc rất khác. Truyền thống nhiều đời Thủ tướng Nhật Bản là họ đều xuất thân trong gia đình làm chính trị, nơi vun đắp kỹ năng lãnh đạo và giúp họ dễ hơn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của giới chính trị gia.

Và thứ ba, ông Suga phải thoát khỏi cái bóng của vị Thủ tướng tiền nhiệm, ông Shinzo Abe, và phải có được tầm nhìn của riêng mình. Trong khi thật khó khăn khi ông Suga lại chính là “người kế thừa tinh thần” của ông Abe.

Giới bình luận chính trị cho rằng, ông Suga sẽ thay đổi tiệm tiến về mặt chính sách theo hướng “mới mà cũ”, để đưa Nhật Bản tiến lên phía trước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Nói như tác giả Isao Mori, người viết tiểu sử về ông Suga thì tầm nhìn lớn và dài hạn là điều đất nước Nhật Bản đang chờ ở ông Suga, khi mà điều đó đã được Thủ tướng Abe hành động rất xuất sắc.

Japan Times dẫn lời ông Suga trong cuộc bỏ phiếu nội bộ (ngày 14/9) rằng “Thủ tướng Abe đã phải rời nhiệm kỳ giữa chừng vì lý do sức khỏe. Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc gia do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta không thể để một khoảng trống chính trị tồn tại. Tôi cam kết sẽ cống hiến tất cả những gì tôi có để làm việc vì đất nước và người dân Nhật Bản”.

Phát biểu này của ông Suga được cho là sự khẳng định tiếp tục thực hiện một loạt chính sách kinh tế được gọi là “Abenomics” của người tiền nhiệm. Đó là sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng, chi tiêu của Chính phủ và cải cách đồng thời giải quyết với các vấn đề dài hạn như dân số già và tỷ lệ sinh thấp của Nhật Bản. Tuy nhiên, trước mắt, nội các của ông Suga phải dành ưu tiên để đối phó với những thách thức của đại dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ. Vừa chống dịch lại vừa tìm cách hồi sinh nền kinh tế qua việc tăng lương tối thiểu, thúc đẩy cải cách nông nghiệp và du lịch... là điều không hề dễ dàng. Là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, xuất khẩu của Nhật Bản luôn ở thế dẫn đầu nhưng trong đại dịch Covid-19 khi nhiều quốc gia “bế quan tỏa cảng” thì đó chính là khó khăn chồng lên khó khăn.

Còn về chính sách đối ngoại, ông Suga đặt ưu tiên cho quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, xây dựng một “Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời mong muốn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc. Ông Suga cũng đặt mục tiêu tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng trong quá khứ với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.

Màn hình hiển thị chỉ số thị trường bên ngoài một công ty môi giới chứng khoán ở Tokyo. Ảnh: Reuters.

2. Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide được người Nhật coi là tấm gương về nghị lực và lòng kiên trì.

Nếu như ông Abe sinh ra trong một gia đình có dòng dõi chính trị gia, người cha từng là Bộ trưởng Ngoại giao; thì ông Suga là con trai của một nông dân trồng dâu tây ở miền Bắc Nhật Bản. Ông lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Akita và chuyển đến Tokyo sinh sống sau khi tốt nghiệp trung học. Khi vào đại học, ông đã từng làm rất nhiều công việc để kiếm sống và trang trải cho học tập.

Giáo sư Daniel M.Smith (Đại học Havard) nhận định: “Ông Suga đại diện cho việc duy trì những chính sách quản lý đất nước của chính quyền Abe, nhưng bản thân ông có sự khác biệt với người tiền nhiệm ở chỗ ông không phải xuất thân từ dòng dõi chính trị”.

Tuy nhiên, mong muốn của ông Suga là hoạt động trong lĩnh vực chính trị, vì thế ông quyết định ứng cử vào Hội đồng thành phố ở Yokohama. Trong “vụ” này, ông Suga đã đến gõ cửa từng nhà để vận động (khoảng 300 ngôi nhà mỗi ngày), với tổng cộng số hộ gia đình ông đã vận động là 30.000. Sự nghiệp chính trị của ông Suga bắt đầu kể từ thời điểm đó. Tới năm 1996, ông được bầu vào Quốc hội Nhật Bản. Năm 2012, được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng nội các và trở thành trợ thủ đắc lực của Thủ tướng Abe.

Cho dù ông Suga không thuộc thành phần “con dòng cháu giống” cũng như chưa từng phải độc lập đưa ra một quyết định quan trọng nào, nhưng nói như giáo sư Kazuto Suzuki (Đại học Hokkaido) thì ông Suga xứng đáng trở thành người kế tục ông Abe.

Theo Chanel New Asia, một trong những thành tựu của ông Suga khi còn là Chánh Văn phòng nội các là việc thúc đẩy Nhật Bản nới lỏng các quy định về thị thực - một động thái tạo cú hích cho ngành du lịch, vốn là một trong những chính sách quan trọng của ông Abe. Ông Suga cũng là kiến trúc sư của Chương trình “furusato nozei” (“quyên góp thuế cho quê hương”): cho phép giảm thuế với những người có đóng góp và cống hiến cho địa phương của họ. Điều này giúp các các địa phương giảm áp lực vốn đang phải gánh chịu từ việc suy giảm nguồn lao động.

Người thân của ông Suga cho biết, ông có cuộc sống mẫu mực, dù đã có tuổi nhưng vẫn đều đặn thực hiện động tác gập bụng 100 lần mỗi ngày. Ông ham mê đọc sách, trong đó cuốn sách yêu thích của ông là cuốn tiểu thuyết lịch sử về Toyotomi Hideyoshi (1537-1598), nhân vật xuất thân từ nông dân nhưng sau đó đã trở thành người có tầm ảnh hưởng lớn.

Những phẩm chất đáng trân trọng của ông Suga được kỳ vọng sẽ đem lại sự tích cực cho đất nước Nhật Bản trong hoàn cảnh rất khó khăn. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Câu hỏi đặt ra là hậu kỷ nguyên Abe, điều gì sẽ chờ đợi Nhật Bản? Thực tế thì bất chấp rất nhiều nỗ lực của ông Abe, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn bi quan trong tháng thứ 14 liên tiếp. Nói như Brad Glosserman - một chuyên gia về chính trị Nhật Bản, thì ông Suga vốn xuất sắc trong vai trò “lãnh đạo hậu trường” thì nay phải “lãnh đạo tiền tuyến”.

Tại thời điểm này, nền kinh tế Nhật Bản ghi nhận mức suy giảm mạnh nhất trong 40 năm qua, nhất là các ngành xuất khẩu, bán lẻ và công nghiệp ô tô. Báo cáo sơ bộ Văn phòng nội các Nhật Bản công bố, trong quý 2/2020, GDP của Nhật Bản đã giảm tới 28,1% so quý 1, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu GDP được thống kê vào năm 1980. Thực tế thì từ cuối năm 2018, kinh tế Nhật Bản bắt đầu bị chao đảo nhưng sóng gió nhất chính là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, trao đổi thương mại quốc tế bị hạn chế… và nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái từ quý 1/2020.

Mức sụt giảm nghiêm trọng lên đến 28,1% được cho là nằm ngoài dự báo. Tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc do dịch bệnh. Hầu như tất cả hoạt động kinh tế đều bị đóng băng. Trong quý 2, tiêu dùng cá nhân vốn chiếm hơn 50% GDP Nhật Bản đã giảm tới 8,2% so với quý 1 do hầu hết người tiêu dùng ở nhà để phòng dịch và các doanh nghiệp đóng cửa. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề do hoạt động kinh tế toàn cầu đình trệ.

Giới phân tích cho rằng, cuối quý 3/2020, GDP của Nhật Bản có thể phục hồi, song nền kinh tế sẽ vẫn đối mặt nhiều rủi ro, do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Mà điều đó không ai khác, ông Suga sẽ phải tìm cách đưa nước Nhật vượt qua.

Quý 2/2020, GDP của Nhật Bản rớt 7,8% so với quý trước, 27,8% nếu so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số kỷ lục. Nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 đã làm tiêu thụ của các hộ gia đình, đầu tư và xuất khẩu đều sụt giảm mạnh. Giới quan sát cho rằng, đối với Nhật Bản, tốc độ phục hồi kinh tế gắn chặt với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. “Sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản sẽ bị trì hoãn nếu dịch vẫn hoành hành tại Mỹ và xuất khẩu từ các nước châu Á sang Mỹ không tăng trở lại” - nhà kinh tế Hideo Kumano, cựu quan chức Ngân hàng Nhật Bản, nhận xét.

Thế Tuấn