Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc ngày 20/10
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/10, dự kiến bế mạc vào ngày 17/11/2020.
Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể:
-Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20/10 đến sáng ngày 27/10/2020. Đại biểu Quốc hội ở địa phương sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương mình. Đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
-Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 2/11 đến ngày 17/11.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, căn cứ các quy định của pháp luật, trên cơ sở xem xét đề nghị của cơ quan hữu quan và tình hình chuẩn bị thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 10. Trong đó, đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 2 dự án trình Quốc hội cho ý kiến: Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo dự kiến, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết gồm Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Cư trú (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến 6 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Nghe báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Quốc hội thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp (nếu có), quyết định công tác nhân sự và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.