Tây Ninh: Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1,3%

Ð.CHUNG 21/09/2020 08:02

Tại tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và các chương trình phát triển nông thôn khác trên địa bàn được tỉnh quan tâm thực hiện có hiệu quả.

Bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - văn hoá của người dân nông thôn. Ước đến năm 2020, có 45/71 xã đạt chuẩn NTM, đạt 63,4%. Thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư; các đề án, dự án, các chính sách trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp được chú trọng xây dựng. Toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp trên 1.246 km đường giao thông nông thôn; bê tông hoá 86 km kênh nội đồng (kênh tưới) phục vụ sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 79 công trình điện nông thôn; xây dựng 233 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; xây dựng, nâng cấp 38 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, 251 nhà văn hoá ấp đạt chuẩn quy định; cải tạo, nâng cấp 18 chợ nông thôn; hỗ trợ nâng cấp 36 trạm truyền thanh xã và trang bị cho các cụm truyền thanh không dây ở các ấp... tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - văn hoá của người dân nông thôn.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Tây Ninh ước đến cuối năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người, tăng 13,4 triệu đồng/người so với năm 2016 (36,6 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 1,3%; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 90%; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99%.

Tính từ năm 2016 đến ngày 31/12/2019, Chương trình giảm nghèo bền vững đã thực hiện 102 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 41 dự án nhân rộng mô hình cho các xã thuộc Chương trình 135 và các xã ngoài chương trình với tổng kinh phí được giải ngân gần 20,3 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch. Tổng số hộ được hỗ trợ là 2.962 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo (trong đó có 93 hộ nghèo và cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả, có 423 hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo).

Trong giai đoạn 2016-2020, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn cho lao động nông thôn được 446 lớp với 14.214 học viên. Trong đó, số lao động nữ là 6.704 người, chiếm tỷ lệ 47%; số thanh niên tham gia học nghề là 4.403 người, chiếm tỷ lệ 30,9%). Bình quân có 2.843 học viên/năm với 33 nghề nông nghiệp.

Ð.CHUNG