Thu thuế thương mại điện tử: Đường dài gian nan
Thương mại điện tử Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, nhưng sự đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách chưa tương xứng.
Trong khi đó, theo quy định, các doanh nghiệp thương mại điện tử, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Theo báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam quý II/2020, sau 6 tháng đầu năm, lượng truy cập vào các website bách hóa tăng hơn 41%. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành hàng mỹ phẩm - chăm sóc sức khỏe tăng 21%.
Điều đó cho thấy mua sắm trực tuyến đang trở thành thói quen với đông đảo người dân, mà dịch Covid-19 vừa qua được xem là một đòn bẩy để thúc đẩy sự tăng trưởng này. Trước đây, những ngành hàng này không phải trọng tâm mua sắm của đa số người tiêu dùng.
Hạn chế trong thu thập dữ liệu
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực TMĐT vẫn chủ yếu chịu sự điều chỉnh của các luật: Thuế Thu nhập DN, Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập cá nhân và một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Trong khi đó, công tác quản lý thuế dành riêng cho hoạt động TMĐT mới dừng ở các biện pháp trước mắt, theo từng vụ việc, chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài do các chính sách chưa được hoàn thiện.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện tại theo quy định, các DN TMĐT, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Quy định này đã được ban hành và có hiệu lực, nhưng đến nay, việc thu thuế vô cùng khó khăn. Bản thân cơ quan thuế cũng đã có một thời gian ráo riết gửi tin nhắn đến các chủ tài khoản kinh doanh qua mạng đến kê khai nộp thuế nhưng kết quả không như mong đợi.
Chưa kể, hoạt động TMĐT không chỉ bó gọn trong phạm vi một nước, mà hướng tới những giao dịch xuyên biên giới.
Hiện nay có nhiều khó khăn trong thu thuế TMĐT. Chẳng hạn như khó khăn trong quá trình thu thập hồ sơ. Cụ thể, giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT thường là các giao dịch điện tử nên cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu. Để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, cơ quan thuế phải phối hợp thu thập dữ liệu từ các cơ quan liên quan như ngân hàng, cơ quan truyền thông,...
Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu còn gặp nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, một số ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển từ chối cung cấp với lý do: Hệ thống công nghệ thông tin không đủ khả năng hỗ trợ, cung cấp; bảo mật thông tin khách hàng.
Một khó khăn nữa là vướng mắc trong công tác xác minh cá nhân người nộp thuế. Do dữ liệu của các ngân hàng thương mại đa phần là dữ liệu cũ (xác định dữ liệu khách hàng đăng ký từ nhiều năm trước), dẫn đến nhiều trường hợp các cá nhân không còn cư trú tại địa điểm theo dữ liệu của các ngân hàng và các dữ liệu điện chuyển tiền. Do vậy, công tác xác minh thông tin cá nhân người nộp thuế, các tài khoản tại các ngân hàng, tại các đơn vị vận chuyển gặp nhiều khó khăn hoặc không xác minh được.
Lấp lỗ hổng
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan Thuế thực hiện phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xác định nhân thân của người nộp thuế. Đồng thời thực hiện thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền. Trên cơ sở các thông tin thu thập, đối chiếu, xác định doanh thu khoán,... để thực hiện công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân.
Đối với công tác quản lý thuế đối với người nộp thuế, Tổng cục Thuế sẽ yêu cầu các cục thuế địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thông qua các hình thức như: tổ chức hội nghị tập huấn chính sách thuế; chuyển thư ngỏ của cơ quan Thuế đến các tổ chức, cá nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân nắm đầy đủ các nội dung chính sách thuế về kinh doanh TMĐT.
Ngành Thuế cũng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện kê khai, nộp thuế. Trường hợp cố tình gian lận, trốn thuế thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ thực hiện chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra để thực hiện điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của giới chuyên gia một trong những điểm mới của Luật Quản lý thuế là trong hoạt động kinh doanh TMĐT, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Để thực hiện, một trong những nội dung đang được ngành thuế triển khai là đưa việc đăng ký lên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Do vậy, giới chuyên gia kỳ vọng, lỗ hổng thuế TMĐT sớm được vá.
Hành vi trốn thuế trong kinh doanh thương mại điện tử hay thương mại truyền thống đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế chung. Tuy nhiên, việc phát hiện và có bằng chứng để buộc tội các hành vi trốn thuế trong kinh doanh thương mại điện tử là khá khó khăn, phức tạp. Đối với việc không đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế, theo các chuyên gia, trước hết, để xác định các doanh nghiệp, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử, cơ quan thuế cần lập ra một đội giám sát, định kỳ rà soát các website.
Dựa trên thông tin liên lạc trên website, nếu cán bộ thuế phát hiện doanh nghiệp, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh mà không đăng ký, cán bộ thuế sẽ gửi công văn hoặc cử đội kiểm tra thuế đến địa chỉ DN để nhắc nhở, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, cán bộ thuế sẽ tiến hành các bước tiếp theo bao gồm cả việc khởi tố.