Gần dân, lắng nghe dân
Mặt trận luôn là địa chỉ tin cậy, mái nhà chung, đoàn kết gắn bó của những người con tự hào mang dòng máu Lạc Hồng ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài.
Ngày 18/9, phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích Mặt trận các cấp đạt được thời gian qua, đồng thời khẳng định Mặt trận luôn là địa chỉ tin cậy, mái nhà chung, đoàn kết gắn bó của những người con tự hào mang dòng máu Lạc Hồng ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài. MTTQ đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực hiện tốt mối quan hệ chủ động với Nhà nước, là tổ chức luôn năng động, sáng tạo, đồng hành và trách nhiệm với Nhà nước trong “ứng xử, giải quyết” nhiều nhiệm vụ quan trọng của đất nước; phát huy vai trò nòng cốt trong vận động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, qua đó lan tỏa tinh thần yêu nước trong cộng đồng, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn manh: “Mỗi cán bộ Mặt trận và cả cán bộ cơ quan Đảng, chính quyền và trong hệ thống chính trị chúng ta cần luôn lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết với nhân dân để nói lên được tiếng nói của nhân dân, phải làm cho dân hiểu, dân tin. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục phát huy sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình, tận tụy, bám sát công việc của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là ở cơ sở”.
Trong suốt những năm qua, cán bộ Mặt trận các cấp đã nỗ lực không quản khó khăn, vất vả, luôn là những người gần dân nhất. Đây cũng chính là sứ mệnh của người Mặt trận: Gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân dân, chia sẻ khó khăn với người dân, phản ánh ý kiến của người dân đến các cấp chính quyền để được giải quyết. Cũng từ chỗ gần dân, nghe được nhiều ý kiến mà người cán bộ Mặt trận cũng góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ những vướng mắc, để từ đó tư tưởng được khai thông mà cùng nhau đoàn kết trên cơ sở tình làng nghĩa xóm, cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là xây dựng quê hương, đất nước ngày một tốt đẹp.
Trên thực tế, cán bộ Mặt trận ở cơ sở là những người gần dân nhất vì họ sống cùng nhân dân, sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau. Nhiều công việc của người cán bộ Mặt trận ở cơ sở là những việc không tên, họ thầm lặng làm người gắn kết cộng đồng. Họ được ví như những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, khi mà việc thì nhiều, ý nghĩa thì lớn nhưng đãi ngộ lại hạn hẹp. Nhưng, xác định trách nhiệm rõ ràng, người cán bộ Mặt trận không ngại khó khăn vất vả, cũng không đòi hỏi chế độ đãi ngộ đặc biệt gì cho riêng mình.
Gần dân, lắng nghe, chia sẻ với người dân một cách thực lòng chính là chìa khóa giúp người cán bộ Mặt trận thu được kết quả cao trong công việc. Cũng chính thế, có thể nói rằng không chỉ cán bộ Mặt trận mà bất cứ cán bộ nào nếu không gần dân, không tôn trọng dân, không lắng nghe dân thì không thể hoàn thành nhiệm vụ, không thể là cán bộ tốt.
Thực tế cũng cho thấy, không ít cán bộ sống trong cùng một tổ dân cư với dân nhưng lại xa dân. Có thể họ giữ một vị trí quan trọng nào đó ở đơn vị mình công tác nhưng không thể vì thế mà cũng thấy mình là “nhân vật quan trọng” trong làng xóm. Không ít người bên ngoài thì tỏ ra gần dân, nghe dân nhưng thực sự thì không hề chia sẻ tâm tư nguyện vọng, nhất là bức xúc trong dân. Đó chỉ là mị dân. Người ta tìm đến mình để mong nhận được sự sẻ chia, hay là một lời khuyên mở ra một hướng đi, thì đáng tiếc vị cán bộ “gần dân” kia lại chỉ nghe một cách mơ hồ, nói dăm ba câu vuốt ve rồi để đấy, coi như không phải việc của mình.
Cũng chính vì thế mới tồn tại xích mích, mâu thuẫn trong dân, kể cả việc khiếu kiện kéo dài. Để xảy ra tình trạng đó chính là do người cán bộ cơ sở đã xa dân, không thực thà lắng nghe dân, không làm hết trách nhiệm của mình khi không phản ánh một cách trung thực những gì người dân nói, người dân thắc mắc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ phải gần dân. Với Người, gần dân là phẩm chất phải có của người cán bộ cách mạng. Gần dân để làm công bộc của dân một cách tốt hơn.
Người xưa đã ví “sức dân như nước”, đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân. Đó là bài học vô cùng quý báu mà người Việt Nam ta đúc kết được trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống ấy, bài học ấy càng phải nằm lòng và phát huy trong cuộc sống hôm nay, để đoàn kết toàn dân tộc, mà trước hết và cũng là hạt nhân nền tảng là đoàn kết ở từng khu dân cư.
Nếu làm được như thế thì không một khó khăn nào không thể vượt qua. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cũng chính từ đoàn kết nhất trí từ từng hộ gia đình, từng khu dân cư mà đất nước đã hạn chế ở mức thấp nhất tai họa do dịch bệnh mang tới. Hơn 100.000 khu dân cư trên cả nước là hơn 100.000 pháo đài dập dịch.
Nói điều ấy để một lần nữa chúng ta cùng nhìn nhận rõ hơn nữa ý thức gần dân. Gần dân để nghe dân nói, làm cho dân tin. Gần nhưng không nghe, không tin, không sẻ chia thì nên nhớ rằng nhân dân tinh tường sớm muộn gì cũng nhận ra. Mà như thế tất yếu sẽ dẫn đến một kết cục xấu.