Cả nước đã ghi nhận gần 70 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết

21/09/2020 21:10

Trong 3 tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai...

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại khoa Virut ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Ảnh: TTXVN.

Trong 3 tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, BìnhThuận, Kon Tum, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Tính chung, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu các ca mắc ở miền Nam chiếm 57%, miền Trung 32%, Tây Nguyên 6%, miền Bắc là 4%.

Tuy số ca mắc sốt xuất huyết có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng diễn biến dịch lại có chiều hướng phức tạp. Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong cao do bệnh sốt xuất huyết.

Tại Singapore - quốc gia được coi là "sạch" nhưng cũng đã ghi nhận 21.834 ca mắc, tăng cao hơn cùng kỳ 2019 và giai đoạn 5 năm trước. Còn tại Việt Nam, trong 3 tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, bên cạnh dịch COVID-19, nước ta cùng nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, dịch sốt xuất huyết, sởi vẫn đang lưu hành trong khi vẫn chưa có thuốc và vắcxin phòng bệnh này.

Tiến sỹ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện không có sự bất thường về diễn biến dịch sốt xuất huyết, xu hướng gia tăng số mắc các tuần gần đây cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao từ tuần 30 trong năm và đang tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, mùa mưa đang bắt đầu nên tình hình dịch thời gian tới có thể phức tạp hơn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Vietnam+.

Theo Tiến sỹ Tấn, việc phòng chống dịch sốt xuất huyết bằng cách diệt loăng quăng, diệt muỗi năm nào cũng được ngành y tế tuyên truyền đến người dân, tuy nhiên dịch vẫn gia tăng là do ý thức của cộng đồng chưa cao; chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, các chiến dịch diệt bọ gậy ở một số địa phương chỉ mang tính hình thức và không được duy trì được lâu dài, bền vững.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại các địa phương cũng bị ảnh hưởng.

Bộ Y tế nhận định số mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.

Các chuyên gia truyền nhiễm đặc biệt lưu ý người dân không tự điều trị bệnh để tránh các biến chứng nặng và hậu quả đáng tiếc xảy ra.