Có kiến thức, có kinh nghiệm để tư vấn tốt

Tuệ Phương (thực hiện) 22/09/2020 09:00

Là một trong những đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020-2025, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, những năm gần đây, vai trò, vị trí của Mặt trận đã được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, Quyết định 217, 218 ra đời một lần nữa tiếp thêm sức mạnh để Mặt trận thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.

Ông Nguyễn Túc.

PV: Là một trong những đại biểu đã từng dự nhiều kỳ Đại hội thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam, cảm xúc của ông thế nào khi về dự Đại hội Thi đua yêu nước MTTQ Việt Nam giai đoạn 2020-2025?

Ông Nguyễn Túc: Tôi là người may mắn vì hầu như 50 năm qua mỗi kỳ Đại hội Thi đua yêu nước của Mặt trận đều có mặt. Tuy nhiên, mỗi một thời kỳ lại có một cảm xúc khác nhau. Đối với kỳ Đại hội lần này, tôi thấy nội dung xây dựng đất nước của chúng ta rõ nét hơn.

Trong 5 năm qua, tất cả các phong trào của Mặt trận đều được cụ thể hóa thông qua các hoạt động như xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ công tác phòng dịch Covid-19… Không ai bảo ai nhưng Mặt trận lúc nào cũng ở vị trí tiên phong. Tinh thần ấy được cán bộ Mặt trận từ Trung ương xuống địa phương thấm nhuần một cách rất sâu sắc.

Hệ thống Mặt trận từ Trung ương xuống địa phương đều làm rất tốt chức năng của mình. Vậy, ông đánh giá như thế nào về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận trong những năm qua?

- Trong 5 năm qua các hoạt động giám sát và phản biện xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn, góp phần vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Muốn làm tốt giám sát và phản biện xã hội không dễ vì nó đụng chạm đến nhiều người. Tuy nhiên, chỉ những người làm Mặt trận công tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới có thể có được những kết quả tốt đẹp.

Trong những năm gần đây, hầu hết những vụ tham nhũng đều do nhân dân phát hiện. Từ nhân dân phát hiện rồi báo chí đăng tải thì cơ quan nhà nước mới vào cuộc. Dân chính là những thành viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên của MTTQ.

Qua Đại hội kỳ này, từ những điển hình tiêu biểu chúng ta thấy rằng đấy là những con người rất đáng trân trọng. Vì lâu nay chỉ thấy người ta nói về việc “chạy chức, chạy quyền” nhưng không ai “chạy” để về Mặt trận cả. Cán bộ Mặt trận là những người vừa phải giải quyết êm đẹp gia đình để vợ chồng đồng tình, vừa phải giải quyết mối quan hệ xã hội, làm sao thuyết phục, vận động người ta đồng thuận để đi đến chấp hành những công việc mà Mặt trận vận động.

Trong giám sát và phản biện xã hội vai trò của cán bộ Mặt trận rất quan trọng. Để đáp ứng được yêu cầu đó, cán bộ Mặt trận phải có kỹ năng cũng như phải trau dồi kiến thức, thưa ông?

- Muốn giám sát và phản biện xã hội tốt thì phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nên đòi hỏi Mặt trận phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, về chính sách cho cán bộ.

Ở dưới cơ sở hay địa bàn dân cư đa phần cán bộ Mặt trận là những người về hưu. Có thể nói đấy là những người “cơm nhà, áo vợ, việc dân”, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức về pháp luật thì lại phải có những hình thức động viên. Động viên không nhất thiết bằng tiền mà cần có những hình thức giúp cho các đồng chí đó tiếp tục nhiệt huyết đối với công tác Mặt trận, với công tác “vác tù và hàng tổng”.

Bản thân tôi cũng vậy, là người làm công tác cơ sở nếu không khéo người phản đối đầu tiên có khi là vợ con mình. Do đó, muốn giám sát và phản biện tốt thì phải tạo được nhiệt huyết để làm sao trong ấm, ngoài êm.

Bên cạnh đó, Mặt trận cần tiếp tục phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn. Thành viên của các hội đồng tư vấn là những người vừa có kiến thức, vừa cho kinh nghiệm. Người ta vẫn nói sách vở cho chúng ta kiến thức, cuộc sống cho chúng ta kinh nghiệm, muốn làm tư vấn cho MTTQ Việt Nam thì phải là những con người vừa có kiến thức, vừa có kinh nghiệm.

Đa phần những người tham gia hội đồng tư vấn đều giữ các chức vụ chủ chốt trong đội ngũ bộ máy của Đảng, Nhà nước về nghỉ hưu nhưng vì trách nhiệm đối với Mặt trận, trách nhiệm đối với dân, với nước nên họ tiếp tục cống hiến. Chính những đóng góp của hội đồng tư vấn đã giúp cho một loạt dự thảo nghị quyết, dự thảo chính sách của Chính phủ sát với thực tiễn hơn và đến 75% những dự thảo đó có sự đóng góp của Mặt trận.

Ngoài các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, trong những năm gần đây Mặt trận tham gia rất tích cực vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, Mặt trận lại không có chế tài xử lý, theo ông như vậy liệu có hiệu quả?

- Tôi nghĩ rằng Mặt trận phát hiện và kiến nghị. Để những phát hiện kiến nghị đó của Mặt trận có được hiệu quả cao thì trong quy chế làm việc giữa Mặt trận với Chính phủ, giữa Mặt trận với Chủ tịch nước, giữa Mặt trận với Quốc hội cần có những quy định sát sao hơn để tiếng nói của Mặt trận, phát hiện của Mặt trận đến các cơ quan nhà nước phải xử lý một cách triệt để. Cái gì đồng tình, giải quyết ngay. Cái gì không đồng tình với quyết định của Mặt trận thì cũng phải trả lời cho Mặt trận để Mặt trận biết. Cái gì mà hai bên chưa đồng thuận với nhau thì cần có sự bàn bạc để giải quyết.

Chính kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa rồi là sự nhất trí, đồng thuận giữa Đảng, chính quyền với Mặt trận. Đảng, Nhà nước và Mặt trận giống như kiềng 3 chân. 3 chân kiềng vững thì mới phát huy được tác dụng. Một trong 3 chân của kiềng khập khiễng thì hiệu quả không cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuệ Phương (thực hiện)