Thanh tra đột xuất có chặn được lạm thu?

Lam Nhi 22/09/2020 08:08

Việc tổ chức thu, chi năm học 2020-2021 là một trong hai nội dung Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GDĐT tập trung kiểm tra. Trong đó, nhấn mạnh sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm khắc (nếu có)...

Ảnh minh họa.

Lạm thu vẫn phổ biến

Đầu năm học, một trong những vấn đề nổi cộm là công tác thu chi của các nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Năm nay, từ cuối tháng 8 Bộ GDĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, truyền thông đã đăng tải vụ việc trường THCS Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) “núp bóng” hội phụ huynh thu số tiền 40.000 đồng/học sinh để mua ghế ngồi 4 năm học. Vụ việc đã được xử lý nhanh chóng. Tiền phải trả lại phụ huynh nhưng dư âm của nó vẫn còn đó cho thấy dù cơ quan quản lý có quyết liệt đến đâu để ngăn chặn nhưng nơi này nơi kia, vẫn có những vụ việc lạm thu xảy ra, chỉ là có phát hiện và nêu ra trước công luận hay không.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, phải chăng do chế tài xử phạt sau khi phát hiện vụ việc chưa nghiêm nên mới có việc năm nào cũng chấn chỉnh nhưng lạm thu chưa bao giờ hết nóng?

Sở GDĐT Hà Nội cũng vừa có công văn về vấn đề này. Trong đó, nhấn mạnh các phòng GDĐT tập trung kiểm tra việc tổ chức thu, chi năm học 2020-2021. Các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thu, chi, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm.

Mong mỏi của cả xã hội là việc kiểm tra này phải thực chất, minh bạch và công khai nếu phát hiện ra sai phạm thay vì “trong ngành đóng cửa bảo nhau”. Bởi lâu nay tồn tại một thực tế là các đoàn kiểm tra ít khi, thậm chí không phát hiện trường này, trường kia có sai phạm mà thông qua ý kiến phản ánh của phụ huynh với báo chí, dư luận xã hội mới biết được những vụ việc thu, chi sai quy định.

Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực đã có nhưng trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng biết. Các trường cũng ít khi công khai số điện thoại này trên website hay bảng tin của nhà trường. Và dường như cũng chưa có nhiều vụ việc lạm thu nào được phát hiện từ những kênh này mà phụ huynh thường trực tiếp phản ánh với báo chí khi có bức xúc. Đó là chưa kể, một số vụ việc, phụ huynh nói có lạm thu nhưng trường vẫn khẳng định không có, phải đến khi cơ quan quản lý vào cuộc mới trả lại tiền với lý do vòng vo, không thuyết phục…

Kiểm tra thực chất và công khai sai phạm

Cùng thời điểm này năm trước, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học mới của ngành giáo dục thủ đô, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhắc lại câu chuyện một hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn để xảy ra hiện tượng lạm thu và đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là bài học cho toàn ngành nói chung và người đứng đầu, cụ thể là hiệu trưởng các trường nói riêng.

Mọi khoản thu cần tuân thủ theo các văn bản hướng dẫn chỉ đạo đã có. Những khoản nào nhà trường được phép thu, khoản nào không được phép cũng không được núp bóng dưới các tên gọi khác như “tự nguyện”, “tiền xã hội hóa”, nhân danh Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Chỉ đạo cụ thể, sát sao từ cơ quan quản lý song ở một số nơi, thậm chí Ban đại diện cha mẹ phụ huynh còn là cánh tay nối dài của nhà trường khi các khoản thu ủng hộ đầu năm học như điều hòa, rèm cửa… năm nào cũng thu, năm nào cũng thay mới.

Ở một lớp mầm non công lập với sĩ số 47 cháu, tiền rèm thu theo hình thức xã hội hóa từ Ban đại diện cha mẹ học sinh là 150 nghìn đồng/cháu mà không có biên lai, cũng không có ngoại lệ, tự nguyện theo mức… bắt buộc là đổ đồng một mức thu với mọi phụ huynh thì thử hỏi, sẽ làm được bao nhiêu bộ rèm? Đấy là chưa kể, trường đã hoạt động được 4 năm, các khóa trước đã trang bị đủ thì nay khóa mới sao lại phải thu tiền rèm?

Kể một câu chuyện thực tế để thấy, quy định, văn bản và cả chỉ đạo không thiếu song thực tế đang diễn ra như thế nào ở mỗi nhà trường thì thực sự, chẳng lẽ đoàn kiểm tra không biết, chỉ phụ huynh mới biết?

Một hiệu trưởng trường THCS tư thục thẳng thắn chia sẻ, trong khi các trường tư có mức thu đầu năm học cao với chứng từ hóa đơn rõ ràng, thông báo đến từng gia đình học sinh ngay từ khi nhập học thì một số trường công lập lại thu “lặng lẽ” theo kiểu tự nguyện. Thậm chí, cô giáo và Ban đại diện phụ huynh không đưa bất cứ giấy tờ gì để phụ huynh mang về nhà mà yêu cầu ký ngay tại lớp, trước mặt cô giáo chủ nhiệm vì sợ… lộ chuyện. Cách làm này thực sự không ổn, gây bức xúc trong lòng phụ huynh nhưng đa số phụ huynh đều lắc đầu cho qua vì không muốn ảnh hưởng đến việc học của con sau này.

“Đừng kiểm tra cho có, mà phải hành động quyết liệt để lấy lại niềm tin cho ngành giáo dục thủ đô nói riêng và cả nước nói chung” là nhắn nhủ của người thầy có hơn 40 năm gắn bó với học trò.

Lam Nhi