Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam khóa IX: Mới chỉ bầu được Ban Chấp hành
Diễn ra từ ngày 19/9 đến ngày 21/9, nhưng cuối cùng, kết quả Đại hội mới chỉ bầu được BCH khóa mới. Các vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực... sẽ được sắp xếp và chọn ra trong thời gian tới. Từ không khí Đại hội có thể nhìn thấy hiện trạng của nền điện ảnh nước nhà đang trong lúc khó khăn, nhiều trở ngại. Sai phạm trong việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam khóa IX diễn ra tại khách sạn La Thành, Hà Nội. Tổng số đại biểu tham dự Đại hội là 490 đại biểu. Tối ngày 19/9 là Hội nghị Đảng viên. Ngày 20/9 là đại hội chính thức để bầu ra BCH khóa mới. Ngày 21/9 là ngày ra mắt BCH khóa mới.
Trái với dự kiến của nhiều đại biểu, kết thúc Đại hội mới chỉ bầu ra được BCH khóa IX. Chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch chưa thống nhất được, cần thời gian để sắp xếp. Việc bầu cử diễn ra từ trưa 20/9 đến hơn 19h cùng ngày mới có kết quả. Về việc bầu cử, không ít đại biểu băn khoăn về cách thực hiện. Đó là khi đại biểu đã đề cử ra hơn 10 người để tham gia vào danh sách bầu BCH khóa mới thì Đoàn Chủ tịch lại tổ chức lấy phiếu để bầu ra 2 người. Hai người này mới được tham dự vào danh sách mà BCH khóa XVIII giới thiệu. Điều này không có trong quy định của Điều lệ Hội, ảnh hưởng tới quyền lợi của hội viên được giới thiệu. Và tại sao những hội viên do BCH giới thiệu thì không phải lấy phiếu bầu, hay phiếu tín nhiệm như những người được đề cử tại Đại hội?
Theo khoản 5 Điều 18 Điều lệ Hội Điện ảnh Việt Nam: Trong thời gian tới, người trúng cử ủy viên BCH khóa IX sẽ triệu tập đại hội sẽ triệu tập các ủy viên BCH khóa mới để bầu Chủ tịch Hội, sau đó Chủ tịch Hội điều hành cuộc họp của BCH bầu các Phó Chủ tịch Hội và các Trưởng ban chuyên môn của Hội.
Cơ chế hoạt động điện ảnh như thế nào là chủ đề được nhấn mạnh trong Báo cáo tổng kết. Nhiều khó khăn xảy ra khi các hãng phim chuyển sang cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tự chủ. Đến nay, 4 đơn vị của ngành điện ảnh đã cổ phần hóa là Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện I, Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Trong khi đó, Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương vẫn giữ cơ cấu tổ chức công ty TNHH một thành viên. Các đơn vị điện ảnh Quân đội, Điện ảnh -Truyền hình Bộ đội biên phòng, Điện ảnh – Truyền hình Công an nhân dân do tính đặc thù được các Bộ chủ quản bảo trợ.
Vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tham luận tại Đại hội: “Với 5 năm nhiệm kỳ, thì đã có tới 3 năm các anh chị trong BCH Hội đồng hành cùng nghệ sĩ ở số 4 Thụy Khuê đấu tranh cho sự minh bạch của cái gọi là cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của các hội viên Chi hội chúng tôi. Câu chuyện cổ phần hóa tại VFS là một câu chuyện dài với những tình tiết lắt léo mà không mới của hiện thực lợi ích nhóm đang hoành hành trong nền kinh tế nước ta. Cụ thể là trong khi Chính phủ có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp thuộc ngành văn hóa… thì một doanh nghiệp tư nhân dám nhân danh chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước mà liên kết với những kẻ tham lam trong hệ thống công quyền hòng cướp không một di sản vô giá đối với lịch sử điện ảnh nước nhà, và là một tài sản công có giá trị hàng trăm tỷ đồng đối với ngân sách nhà nước”.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam không chuẩn mực ngay từ đầu nên dẫn tới những phức tạp. Bộ VHTTDL cần giải quyết dứt điểm vấn đề cổ phần hoá ở Hãng phim truyện Việt Nam. Chúng ta không thể duy trì mãi một hãng phim xập xệ như thế được”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn cảnh báo: Nguy cơ điện ảnh bị “nghiệp dư hóa” ngày càng được nhắc nhiều. Nguy cơ đó là có thật. Số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài chính luận còn hạn chế. Những phim về đề tài lịch sử phần nhiều còn chưa thoát được khuôn sáo. Không ít phim mang tính giải trí còn đặt quá nặng mục tiêu thương mại. Khâu quảng bá phát hành chưa được chú trọng đúng mức. Lý luận phê bình điện ảnh cũng chưa có nhiều nghiên cứu mang tính mở đường.
Báo cáo tổng kết cũng chỉ ra vấn đề phát hành phim hiện nay do tư nhân làm chủ. Đáng buồn là các công ty tư nhân trong nước chỉ chiếm thị phần 20% lượng phòng chiếu. CGV và Lotte là hai doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm tới 90 % thị trường phát hành phim. Phải chăng sự “xâm lăng” văn hóa trong điện ảnh hiện nay đang là nguy cơ hiện hữu?
Nhiều phim được sản xuất phim trong nước của hãng tư nhân mang mục đích thương mại. Những đề tài về truyền thống lịch sử, cách mạng ít được chú trọng. Có những thời điểm tại các liên hoan phim, không có sự tham gia của hãng phim nhà nước.
Về phương hướng hoạt động của Hội Điện ảnh khóa IX, các vấn đề chủ yếu vẫn xoay quanh công tác ổn định tổ chức hội, nguồn tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, tổ chức các giải thưởng Cánh diều, tổ chức trại sáng tác, tọa đàm, hội thảo...
Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam khóa IX gồm: Mai Huyền Linh (Quyền Linh), Nguyễn Công Hậu, Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Văn Tân, Dương Cẩm Thúy, Lê Hồng Chương, Mai Thu Huyền, Đỗ Lệnh Hồng Tú, Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Thanh Vân, Huỳnh Văn Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phạm Thị Tuyết, Trịnh Lê Văn, Chu Ngọc Ẩn. Trong đó 8 nghệ sĩ tái đắc cử vào BCH gồm: Mai Huyền Linh (Quyền Linh), Dương Cẩm Thúy, Lê Hồng Chương, Đỗ Lệnh Hồng Tú, Nguyễn Thanh Vân, Bùi Thạc Chuyên, Phạm Thị Tuyết, Trịnh Lê Văn.