Chảy máu chất xám
Vậy là sau nhiều cố gắng, nỗ lực, bằng trí thông minh và sự hiểu biết kiến thức sâu rộng, Nguyễn Thị Thu Hằng (học sinh Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) đã giành danh hiệu quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Hằng cũng như các quán quân của những năm trước đó đều hết sức xứng đáng khi đứng trên bục cao nhất của chương trình do Đài THVN tổ chức. Song, điều mà dư luận băn khoăn là liệu sau khi du học ở Úc bằng tiền học bổng giành được, Hằng có mang kiến thức và sự hiểu biết về phụng sự Tổ quốc?
Nỗi băn khoăn của mọi người không phải là vô căn cứ, bởi trong số 19 quán quân (trước Thu Hằng), chỉ có 3/18 người về nước phục vụ đất nước (một người chưa học xong). Có không ít người, thậm chí có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư cho rằng, đừng quá khắt khe với các thí sinh trong việc các em không về Việt Nam cống hiến, bởi đó là quyền riêng tư cá nhân của mỗi người, hơn nữa ở đâu chẳng phụng sự được Tổ quốc. Đây cũng là một cách lý giải cho việc chảy máu chất xám của đất nước.
Còn nhớ, thời đất nước còn đang phải kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, những nhân sĩ, trí thức có tiếng đang sinh sống và làm việc tại Pháp như Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh... đã chấp nhận từ bỏ chốn phồn hoa đô hội, trở về nước chịu đựng hy sinh gian khổ.
Thử hỏi lúc đó điều kiện cơ sở vật chất của đất nước đã có gì? Chưa có gì cả, hầu như mọi thứ chỉ là con số 0. Vậy tại sao các trí thức nói trên không ở lại Pháp để “yêu nước từ xa” (cách mà một số người hiện nay biện bạch cho các nhà vô địch Olympia), mà lại theo Bác Hồ về Việt Nam để nghiên cứu, làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, chấp nhận ăn lán, ngủ rừng? Tấm lòng của các nhân sĩ, trí thức đó mới thực sự là yêu nước, chứ không phải cứ gào lên thật to “tôi yêu đất nước” là trở thành yêu Tổ quốc.
Có ý kiến lại so sánh rằng, trong số hơn 30.000 thí sinh tham gia dự thi Đường lên đỉnh Olympia có rất nhiều em đi du học chứ không phải chỉ có 20 nhà vô địch, vì sao lại chỉ “nhắm vào” các quán quân? Vâng, điều đó hoàn toàn đúng. Song, các vị phải hiểu một điều là các em đó đi du học là bằng việc các em tự săn học bổng của các tổ chức nước ngoài, phi chính phủ..., hoặc du học bằng tiền từ túi bố mẹ, chứ không phải là của Đài THVN tài trợ bằng học bổng 35.000 USD (nay là 40.000 USD).
Hơn nữa, việc hơn kém về kiến thức, sự hiểu biết... đã được phân định trong chính cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, nên việc dư luận “quan tâm” hơn tới các nhà vô địch là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tất nhiên, việc những học sinh có tài, bất kể có vô địch Olympia hay không đi du học rồi định cư ở nước ngoài không về phục vụ Tổ quốc vốn đã là chảy máu chất xám. Song, việc các nhà vô địch leo núi ngoài việc du học bằng tiền của Đài THVN, còn được xem là những người giỏi hơn cả, nên việc họ không về là sự lãng phí lớn.
Song, nói đi thì cũng phải nói lại. Việc chảy máu chất xám diễn ra nhiều năm qua không chỉ có lỗi của những người trong cuộc. Không phủ nhận có khá nhiều người ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, cốt sao cho sung sướng không cần quan tâm đến người thân, nói gì đến xã hội, đất nước. Nhưng cũng có những người không về phục vụ đất nước là do cơ chế của chúng ta chưa thực sự thu hút được nhân tài. Thậm chí ở không ít cơ quan nhà nước, để “chen chân” một suất biên chế là không hề đơn giản.
Sẽ là sự lãng phí hơn nữa, khi mà các nhà vô địch Olympia về nước nhưng phải rất chật vật mới xin được vào làm việc tại một viện nghiên cứu nào đó, rồi lại “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, vì không được tạo điều kiện nghiên cứu khoa học, phát triển tài năng để cống hiến cho đất nước. Mà thực trạng đó đâu phải không có, nếu như không muốn nói là phổ biến ở một số cơ quan nhà nước hiện nay. Vậy nên việc các em lo sợ không dám về nước cũng là điều dễ hiểu. Đây chính là lý do chảy máu chất xám!