Bị viêm dạ dày, cần ăn gì để phòng ngừa nguy cơ khởi phát ung thư?
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ viêm dạ dày mạn tính rất cao, chiếm khoảng 50% dân số.
Viêm dạ dày mạn tính là hiện tượng lớp niêm mạc dạ dày bị viêm nhiễm trong thời gian dài, từ đó gây ra sự biến đổi ở bộ phận này. Tình trạng kéo dài sẽ khiến niêm mạc dạ dày mất đi các tế bào đóng nhiệm vụ bảo vệ cơ quan tiêu hóa này trước sự ăn mòn của dịch vị. Trong trường hợp không được chữa trị kịp thời, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể phát sinh, điển hình là tình trạng loạn sản và cuối cùng là khởi phát khối u ác tính ở dạ dày.
Theo các chuyên gia tiêu hóa, ở Việt Nam, viêm dạ dày mạn tính là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng. Bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là 40-49 tuổi.
Người mắc viêm dạ dày mạn tính có các triệu chứng điển hình như: thường xuyên khó chịu ở bụng, đầy hơi, đau bụng, mất cảm giác thèm ăn. Nếu thấy bản thân xuất hiện những vấn đề vừa nêu, chúng ta cần sớm đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp chữa trị kịp thời, trước khi căn bệnh này chuyển hóa thành ung thư.
Những người đau dạ dày, viêm loét dạ dày cần chú ý tăng cường các loại thực phẩm sau trong bữa ăn hàng ngày, để cải thiện tình trạng bệnh, từ đó ngăn ngừa nguy cơ thư dạ dày:
- Thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày: trứng, các sản phẩm từ sữa (trừ sữa chua), bánh ngọt, mật ong, chè nóng... làm đệm cho niêm mạc dạ dày, giảm kích thích.
- Thực phẩm giúp làm lành vết loét: tôm, cá, bắp cải. Tôm, cá rất giàu canxi, protein và đặc biệt chứa nhiều kẽm – các chất cần thiết để lành vết loét. Bắp cải có vitamin U giúp nhanh chóng lành vết loét.
- Thức ăn giảm tiết acid: cơm, xôi, bánh mỳ, bánh chưng, cháo, khoai luộc, thịt – cá hấp, luộc, om... tránh kích thích dạ dày tiết acid.
- Người đau dạ dày mạn tính thường thiếu vitamin, các khoáng chất do khả năng tiêu hóa và hấp thu kém, cần bổ sung thêm các loại vitamin A, B,C, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magiê có nhiều trong ngũ cốc, hoa quả , rau củ màu đỏ, xanh đậm.