Động thổ tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng

22/09/2020 14:44

Tổ hợp được kỳ vọng sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ôtô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu bấm nút khởi động Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng. (Nguồn: Báo Chính phủ).

Sáng 22/9, tại thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ động thổ dự án xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và ghi nhận, biểu dương nỗ lực của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và các đối tác trong việc tích cực chuẩn bị để sớm tổ chức lễ động thổ tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng.

Tại lễ động thổ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và dự thảo Chiến lược 10 năm 2020-2030 của Đại Đảng toàn quốc lần thứ 13 tiếp tục khẳng định mục tiêu phải sớm đưa Việt Nam trở thành nước cơ bản công nghiệp, theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp then chốt; trong đó, có công nghiệp ôtô. Đây là ngành công nghiệp “tổng hợp” của rất nhiều ngành công nghiệp khác như cơ khí, tự động hóa, điện tử, vật liệu mới, sản xuất đồ da, gỗ cao cấp...

Mục tiêu của Chính phủ là phải có ôtô thương hiệu Việt Nam và phải có ôtô sản xuất tại Việt Nam có chất lượng, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. (Nguồn: Báo Chính phủ).

Phó Thủ tướng lưu ý rằng cần thay đổi quan điểm phát triển ngành ôtô, thay vì đặt ra những chỉ tiêu nội địa hóa không sát với thực tế, có cách tiếp cận hài hòa, theo hướng chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển các mẫu ôtô Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa cao; có nhiều chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô nói riêng...

Trước đó, ngày 11/5/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh và Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công đã ký bản hợp tác chiến lược về việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng Trung tâm sản xuất, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện cho ngành ôtô với quy mô lớn tại Quảng Ninh, với lộ trình Tập đoàn Thành Công sẽ tiến hành nghiên cứu, lập quy hoạch, đầu tư tại dự án Khu công nghiệp Việt Hưng tại phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long với quy mô 340ha.

Tỉnh Quảng Ninh xác định Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công sẽ là đối tác chiến lược, lâu dài của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện cho ngành ôtô.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án thành phần thuộc Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 5.300 tỷ đồng. Ngày 18/9, tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án trên.

Với vị trí chiến lược, nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện cho cả giao thương nội địa và quốc tế, Tổ hợp được kỳ vọng sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ôtô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao. Qua đó, tạo ra sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Với mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh.”

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh nhằm khai thác tối đa lợi thế vị trí địa kinh tế, chính trị, là cửa ngõ của Việt Nam với các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc.