Rào cản giáo dục hướng nghiệp

Hàn Minh 23/09/2020 07:44

Cánh cửa học nghề luôn luôn rộng mở, nhưng không phải người học nào cũng quan tâm đến lựa chọn này. Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường hiện vẫn gặp phải những rào cản.

Khi thế giới tiến đến thời đại cách mạng công nghệ 4.0, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa sẽ dẫn đến sự biến động nhân sự nghề nghiệp, tác động không nhỏ lên người lao động. Theo các chuyên gia dự báo, sẽ có những nhóm việc làm chắc chắn bị máy móc thay thế. Cùng với đó, cũng sẽ có những nhóm nghề đòi hỏi sự nhạy bén sáng tạo của người lao động mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được. Vì vậy, sẽ cần tới một hệ thống đào tạo nghề nghiệp được nghiên cứu kỹ lưỡng và phù hợp với thời đại…

Đây là bài toán đặt ra cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng và thách thức cho các nhà quản lý giáo dục nói chung khi định hướng đúng cho người học từ những năm tháng học phổ thông không chọn ngành, chọn nghề sai lầm. Các trường nghề trong nỗ lực tuyển sinh hiện nay vẫn vấp phải một rào cản đó là làm sao để tiếp cận được người học để có những tư vấn, định hướng ngay từ đầu cho các em và gia đình.

Như những năm trước, nhiều trường nghề cho biết có liên hệ với các trường THCS và THPT để tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho HS cuối cấp với mong muốn đẩy mạnh phân luồng trong các nhà trường. Nhưng với tình hình dịch bệnh năm nay, việc tiếp cận trực tiếp người học là khó khăn. Mặc dù đẩy mạnh các hình thức tư vấn trực tuyến, giải đáp thắc mắc online hoặc qua đường dây nóng song trong đó phần nhiều là với những người học đã có nhu cầu tìm hiểu về đào tạo nghề.

Còn cơ sở dữ liệu HS nào đăng ký xét tuyển ĐH, HS nào chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tức là có thể quan tâm đến việc học nghề thì các trường nghề lại không có thông tin. Điều này khiến cho việc tiếp cận người học gần như rơi vào thế bị động. Những cơ sở đào tạo nghề có uy tín, tuyển sinh tốt từ nhiều năm nay thì có nguồn tuyển ổn định, không phải quá lo lắng nhưng nhiều trường nghề khác, nếu chỉ ngồi im chờ người học tự tìm đến với mình thì thực sự không ổn.

Nếu trông chờ vào công tác hướng nghiệp phân luồng của riêng trường phổ thông, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm thì vẫn có những nhược điểm. Đơn cử như việc định hướng HS yếu kém đi học nghề trong khi chưa tìm hiểu rõ nhu cầu của các em có thể vấp phải những phản ứng từ gia đình người học như nhiều vụ việc báo Đại Đoàn kết đã từng nêu.

Ngược lại, nhiều HS khá, thậm chí giỏi cũng có nguyện vọng đi học nghề vì sự yêu thích, vì hoàn cảnh gia đình… nhưng do tâm lý “ngại” bạn bè cùng lớp đánh giá, chưa hiểu rõ về cơ hội vào các trường nghề,… khiến các em đành chọn một con đường khác theo số đông, bỏ lỡ mất cơ hội sau này. Chẳng thế mà một lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nam từng chia sẻ, khi đi khảo sát một số công ty trên địa bàn tỉnh, đã có những nơi dán hẳn thông báo tuyển dụng, không nhận người có bằng tốt nghiệp đại học. Đã có những trường hợp, các em tốt nghiệp đại học xong không xin được việc làm nên phải cất bằng đi làm công nhân, rất xót xa.

Sự lãng phí trong đào tạo, tốn tiền của bố mẹ, lãng phí thời gian và công sức của chính các em cũng là lãng phí nguồn lực xã hội ở đây hoàn toàn có thể được khắc phục, nếu ngay từ đầu, các trường nghề được cùng tham gia công tác hướng nghiệp, phân luồng HS cùng với các trường phổ thông. Bởi khi để người học hiểu được, thị trường lao động hiện nay nghiêng về việc kiếm tìm những ứng viên có tay nghề, hơn là người có “bằng cấp” thì việc theo đuổi hướng đi học nghề sẽ hẳn là một lựa chọn đầy tự hào của HS.

Hàn Minh