Bê bối chỉ vì lạm thu
Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) vừa tuyên buộc Đại học Tân Tạo phải trả lại học phí thu vượt cho 16 cựu sinh viên (2,2-23 triệu đồng/sinh viên).
Phán quyết của tòa cũng buộc Công ty CP đầu tư Tân Đức (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) phải trả lại hồ sơ gốc cho sinh viên, gồm: Bằng tốt nghiệp THPT, học bạ THPT và giấy chứng nhận kết quả thi đại học. Đây là lần thứ 2 ĐH Tân Tạo “lấm lưng trắng bụng” trước các sinh viên.
Nguồn cơn của việc các cựu sinh viên đưa ĐH Tân Tạo ra tòa là bởi đơn vị này đã tự ý tăng giá học phí, bắt các sinh viên phải nộp thêm nhiều khoản tiền bất hợp lý. Ngay từ năm 2016, các sinh viên theo học tại ĐH Tân Tạo đã hết sức bất bình trước việc trường này tăng học phí, tiền học lại, thi lại, đồng thời liên tục thay đổi chính sách học bổng. Nhiều sinh viên và phụ huynh phản đối gay gắt, có em dự định chuyển sang trường khác. Tuy nhiên, ĐH Tân Tạo đã gây khó dễ bằng “chiêu” giữ lại hồ sơ gốc của sinh viên.
Gần 100 sinh viên đang theo học ngành y trong quá trình làm thủ tục chuyển trường khác đã bị ĐH Tân Tạo gây khó khăn, buộc phải gửi đơn kêu cứu tới Bộ GDĐT. Sau quá trình thanh tra, Bộ GDĐT kết luận yêu cầu ĐH Tân Tạo phải trả lại hồ sơ gốc cho sinh viên, đồng thời tạo điều kiện để các em chuyển trường. Song, ĐH Tân Tạo vẫn tiếp tục giữ hồ sơ gốc và yêu cầu sinh viên phải bồi thường nếu muốn chuyển trường.
Năm 2017, Phó Hiệu trưởng ĐH Tân Tạo Huỳnh Hổ đứng đơn khởi kiện các sinh viên ra tòa, yêu cầu các em bồi hoàn học bổng, lãi suất chậm trả lên tới vài trăm triệu đồng/sinh viên. Tuy nhiên, do ông Hổ không phải là đại diện hợp pháp của ĐH Tân Tạo nên các tòa án (ở TP HCM và Long An) đều bác đơn khởi kiện. Sau đó, cũng trong năm 2017, Công ty CP đầu tư Tân Đức đứng đơn khởi kiện sinh viên. Trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm diễn ra ở tỉnh Hậu Giang năm 2019, đơn vị này đều thua kiện.
Dù thua kiện nhưng ĐH Tân Tạo vẫn không chịu trả lại hồ sơ gốc để sinh viên chuyển trường nên 29 em (cựu sinh viên ngành y khóa 1, 2 của ĐH Tân Tạo) đã đứng đơn khởi kiện ra tòa. Sau thời gian thụ lý, nghiên cứu hồ sơ, TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đã xét xử sơ thẩm, tuyên buộc ĐH Tân Tạo phải trả lại học phí đã thu thừa, đồng thời đại diện pháp nhân của trường này phải trả lại hồ sơ gốc cho sinh viên chuyển trường. Liệu lần này ĐH Tân Tạo có tiếp tục phớt lờ bản án của tòa?
Nhiều ý kiến cho rằng, để đến mức thầy và trò phải lôi nhau ra tòa là một việc hết sức đau lòng. Nghề giáo là một trong những nghề cao quý, luôn nhận được sự kính trọng không chỉ của các học trò, mà còn của cả xã hội. Vì thế các thầy, các cô, các nhà trường cần có thái độ đúng mực, hết lòng vì học sinh thân yêu, không chỉ để giữ gìn hình ảnh, mà còn để học trò tin yêu, biết ơn và kính trọng. Khi mà nhà trường quá nghĩ đến tiền, cốt sao thu được càng nhiều càng tốt thì làm sao có thể dạy dỗ học trò?
Hiện, không chỉ ĐH Tân Tạo có chuyện “lình xình”, mà còn không ít trường ĐH khác cũng đang vướng phải bê bối vì lạm thu. Vẫn biết, hầu hết các trường ĐH, nhất là các ĐH tư thục trong bối cảnh tự chủ buộc phải nghĩ cách cân đối thu chi mới có thể tồn tại, phát triển. Song, điều đó không có nghĩa các trường thích thế nào làm thế ấy, mà phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Phải hiểu rõ, xã hội hóa giáo dục không đồng nghĩa với thương mại hóa giáo dục!
Khi mà các trường ĐH thương mại hóa giáo dục thì hệ lụy tất yếu là không đảm bảo chất lượng đào tạo. Làm sao có thể dạy tốt, học tốt nếu tâm tư, suy nghĩ của các thầy, các cô, nhà trường không dành cho việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giảng viên. Khi đã vì tiền, có lý gì các nhà trường không cho phép sinh viên “đánh trống ghi tên”, nộp đủ học phí là qua các học phần, đương nhiên thi đỗ? Vậy thì “sản phẩm” mà các trường ĐH cho “ra lò” liệu có ích cho xã hội, đất nước?
Đó là lý do vì sao đang có thực tế là nhiều người cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH trong tay mà không có kiến thức chuyên môn về chính ngành nghề đã học. Hàng năm, số sinh viên tốt nghiệp ĐH rất nhiều, nhưng thử hỏi có bao nhiêu trong đó thực sự có thể vận dụng kiến thức đã học được để cống hiến cho xã hội? Lỗi không hẳn thuộc về họ mà trước tiên thuộc về các nhà trường khi cố tìm kiếm lợi nhuận từ người đi học.