Hết lòng vì người nghèo trong hoạn nạn
Ngày 22/9, phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị tổ chức Chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề cao tinh thần chủ động, phối hợp, tập trung cao điểm của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc huy động sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành; cấp ủy, chính quyền các cấp; doanh nghiệp, doanh nhân và người Việt Nam ở nước ngoài tập trung mọi nguồn lực để ủng hộ người nghèo, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, hiện nay trên cả nước có hơn 1,3 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,23% so với tổng số hộ dân cư toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,95%) cần được giúp đỡ nhằm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nhưng có lẽ biên độ của những con số này đã mở rộng hơn sau những biến cố từ thiên tai địch họa mà nhất là đại dịch Covid -19.
Tạo sinh kế, chăm lo cho người nghèo
Chúng tôi theo chân ông Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh tìm đến một gia đình đặc biệt khó khăn nhất xã. Một gia đình có hai ngôi nhà Đại đoàn kết.
Theo ông Mạnh, ngôi nhà Đại đoàn kết thứ nhất được xây từ năm 2004 là tài sản của gia đình bà Đinh Thị Tráng - một hộ nghèo nhất xã và là mẹ của anh Nguyễn Văn Thanh ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi nhà Đại đoàn kết thứ hai sát bên cạnh được xây từ năm 2017, là của gia đình anh Thanh, hiện cũng là hộ nghèo nhất xã.
Hai ngôi nhà Đại đoàn kết từ đời bố cho đến đời con. Bố anh Thanh là một người tật nguyền, đẻ ra hai người con, cứ đến tuổi trưởng thành là bị mắc bệnh teo cơ rồi liệt nửa người như bố. Một gia đình nghèo có tính “di truyền” và bệnh cũng “di truyền”.
Vợ anh Thanh - chị Nguyễn Thị Hòa cũng là một người bị bệnh vẹo cột sống bẩm sinh. Khao khát của chị Hòa là gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng, nhưng ai cũng hiểu, việc thoát nghèo đối với một gia đình hầu hết đều mất sức lao động là một việc vô cùng khó. Chưa kể, điều đáng lo nhất lúc này là thằng bé con năm nay đã 9 tuổi, liệu có bị mắc bệnh di truyền của ông và bố.
Trong bế tắc ấy, có những hy vọng vẫn được thắp lên. Chị Hòa chia sẻ, những năm qua, gia đình chị không những được Mặt trận hỗ trợ nơi an cư mà còn được hỗ trợ thêm một con bò giống.
Với tay chỉ chiếc máy khâu nằm trang trọng ở góc nhà, chị Hòa hào hứng khoe đấy là “quà của các bác Mặt trận” hỗ trợ cho gia đình trong đợt Covid-19 vừa qua.
Từ khi có chiếc máy gia đình chị cũng bớt khó khăn hơn. Ngoài những lúc đi làm tại xưởng thêu về nhà chị lại tranh thủ may khẩu trang và sửa chữa quần áo cho bà con chòm xóm. “ Trở thành thợ may và có một cửa hàng may vá là ước mơ lớn nhất của đời tôi. Tôi không biết dùng những lời nào để có thể diễn tả được lời cảm ơn của mình với Mặt trận”, chị Hòa xúc động nói.
Chúng tôi đem những tâm sự này chia sẻ với ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, được biết, trong đợt Covid vừa qua, gia đình chị Hòa là một trong số những hộ đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Ninh được Mặt trận vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ sinh kế thiết thực. Đó là những chiếc “cần câu” máy khâu, như bò, máy cày, xe máy…
Tuy nhiên theo ông Vũ Hùng, đối với những đối tượng yếu thế, người khuyết tật như gia đình chị Hòa anh Thanh, việc vươn lên thoát nghèo là bài toán vô cùng khó. “Chính vì vậy trong thời gian tới, Mặt trận tỉnh Bắc Ninh sẽ có kế hoạch thống kê lại những hộ nghèo khó thoát nghèo để có sự chăm sóc đặc biệt cũng như tạo sinh kế để họ thực sự vươn lên”, ông Vũ Hùng khẳng định.
Khích lệ tinh thần vươn lên thoát nghèo
Chăm lo cho người nghèo là sứ mệnh của Mặt trận trong nhiều năm qua. Ngay cả khi “cơn bão” Covid-19 ập đến, người Mặt trận vẫn tiếp tục hành trình của mình, thắp lên tinh thần “tương thân tương ái” tìm đến những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, chia sẻ khó khăn để trao cho họ cơ hội, niềm tin, thắp lên những ước mơ và hy vọng.
Truyền thống “Tương thân tương ái”, luôn là đạo lý sống, nhân sinh quan tốt đẹp trong mỗi con người Việt Nam. Thấm nhuần tinh thần ấy, từ năm 2000, ngày 17/10 được chọn là Ngày cả nước vì người nghèo và cũng từ ngày 17/10 - 18/11 hàng năm, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo.
“Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020.
Từ năm 2017, Chương trình cầu truyền hình “Cả nước chung tay vì người nghèo” - sự nối tiếp đầy nhân văn của chương trình “Nối vòng tay lớn” - là một cách để người Mặt trận tạo thêm sự lan tỏa trong xã hội, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chắc hẳn, rất nhiều người đã từng dự và xem Chương trình cầu truyền hình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 không quên được hình ảnh hồn hậu của cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa - người đã từng 2 lần đạp xe lên UBND xã nộp đơn xin thoát nghèo.
Lý do để cụ Mơ xin thoát nghèo rất đơn giản, vì cụ cho rằng còn bao người tàn tật, bị nhiễm chất độc màu da cam khổ hơn mình mà mình vẫn khỏe mình thì hà cớ gì phải để Nhà nước chu cấp. Cho nên, cụ quyết tâm làm đơn xin thoát nghèo.
Sâu khấu của Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” hôm ấy như vỡ òa trong cảm xúc bởi tấm lòng, ý chí và thái độ sống lạc quan của cụ Mơ. Nụ cười và tấm chân tình ấy đã chạm đến trái tim rất nhiều người.
Thực ra, cụ Đỗ Thị Mơ chỉ là một trong rất nhiều người đã từng làm đơn xin thoát nghèo. Chính vì vậy, mục đích của Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” không chỉ nằm ở việc nêu bật ý nghĩa của các hoạt động tương thân, tương ái, khơi dậy tình thương yêu, đùm bọc trong cộng đồng mà còn biểu dương, khích lệ tinh thần của những người nghèo đã tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Tiếp tục lan tỏa tinh thần vì người nghèo
Chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm nay sẽ diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện đặc biệt. Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Chương trình này là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, là hoạt động để chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chính vì vậy, người đứng đầu MTTQ Việt Nam đã đề ra mục tiêu của Chương trình là phải tạo được sức lan tỏa để ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, từ đó, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Để Chương trình tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả của chương trình trong suốt thời gian qua. Đặc biệt nhấn mạnh tới những tấm gương điển hình trong vươn lên thoát nghèo tại các địa phương sau khi nhận được nguồn lực ủng hộ đồng thời tập trung phản ánh sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động ủng hộ người nghèo để tôn vinh, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các thành viên trong Ban Tổ chức Chương trình cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, cùng chung sức, chung lòng để tạo sự đổi mới của chương trình nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy cho các nền kinh tế, vì thế các doanh nghiệp, doanh nhân là những đối tượng bị ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch này. Trên tinh thần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp , Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đặt ra tinh thần tập trung cao điểm từ Mặt trận các cấp để huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cùng các tổ chức thành viên vận động các nguồn lực ủng hộ người nghèo.
MTTQ Việt Nam sẽ gửi thư tới các ban, bộ, ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương, các cá nhân tham gia Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam thuộc khối kinh tế là doanh nghiệp và người Việt Nam ở nước ngoài để vận động tổng lực cho việc ủng hộ người nghèo.
“Cần hướng dẫn, động viên sự quyết tâm, sáng tạo của các tỉnh, thành phố cùng chung tay ủng hộ để tạo nên thành công của Chương trình “Cả nước chung tay và người nghèo” năm 2020. Mọi nguồn lực huy động được từ chương trình sẽ ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, cộng đồng nghèo vùng biên giới, các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai trong năm 2019-2020. Từ đó động viên, biểu dương các hộ nghèo, cộng đồng nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020 sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam vào lúc 20h00 ngày 17 tháng 10 năm 2020.
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 được tổ chức vào đêm 17/10/2019. Thông qua Chương trình đã có 260 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo Trung ương và an sinh xã hội với số tiền trên 889,787 tỷ đồng. Cũng tại Chương trình này đã có 27 đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ an sinh xã hội (không qua Quỹ Vì người nghèo Trung ương) là 814,845 tỷ đồng. Hiện nay, đã có 26 đơn vị, cá nhân đã và đang thực hiện đăng ký ủng hộ an sinh xã hội trực tiếp cho các địa phương với số tiền trên 514,015 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho người nghèo, tặng quà tết cho hộ nghèo, xây dựng công trình dân sinh thiết yếu như làm cầu đường, trường học… trong các cộng đồng nghèo.