Vẫn chưa hết rào cản giấy phép con
Trong nhiều năm trở lại đây, những nỗ lực của nhà quản lý trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh,loại bỏ giấy phép con đã giúp cộng đồng DN giảm bớt gánh nặng về mặt chi phí và thời gian. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, vẫn còn không ít thủ tục hành chính không cần thiết cần phải được sớm loại bỏ để nâng sức cạnh tranh cho DN.
“Nỗi niềm” của doanh nghiệp
Chủ một DN bất động sản cho biết, để có thể tiến hành xây dựng một dự án, khâu xin giấy phép của nhà quản lý khiến cho DN phát nản. “Cái gì cũng phải xin, từ lúc xin cho đến lúc được cho phép mất vài tháng thậm chí lên đến cả năm. Như vậy DN bị bỏ lỡ hết cơ hội, đồng thời các loại chi phí gia tăng, DN làm sao có lãi nổi”, vị này than thở.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GPInvest cho hay, nhiều DN bất động sản vẫn đang gặp phải khó khăn về những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là về luật pháp, hành lang pháp lý. Theo ông Hiệp, có những dự án DN triển khai chậm cả năm trời chỉ vì những khái niệm trong Luật Đất đai 2014 thay đổi. Việc thay đổi về quy trình, khái niệm trong Luật khiến cho DN làm xong hết các thủ tục hành chính rồi lại phải làm lại từ đầu, rất mất công sức, thời gian của DN.
“Nỗi niềm” của DN bất động sản thì như vậy, còn với các DN ở những ngành khác thì sao? Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ đầu năm 2020 đến nay, tổ chức này đã liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều DN về các bất cập của quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì lô thủy sản xuất khẩu.
Cụ thể, DN sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ DN nước ngoài. Trong khi trên thực tế, quy định này không hề có trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng như tại nhiều quốc gia đang có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Theo Vasep, việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp quá nhiều giấy tờ liên quan đến mã số mã vạch thực sự khiến cho các DN thủy sản thấy nản lòng khi thao tác này, gây mất rất nhiều thời gian cho DN, nó khiến cho DN khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm khách hàng, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN so với các nước khác. Ngoài yêu cầu về mã số mã vạch, những quy định về thu thuế phế liệu, thuế thu nhập DN khá chồng chéo cũng đang làm mất thêm nhiều thời gian, chi phí cho DN.
Mặt khác, hiện việc xác định sản phẩm “sơ chế” và “chế biến” trong ngành thủy sản cũng chưa được rõ ràng, nên rất nhiều trường hợp cơ quan thuế mặc định áp thuế thu nhập DN thủy sản là 20% trong khi quy định thuế thu nhập DN chế biến thủy sản chỉ là 0 - 15%.
“Hàng loạt các bất cập trong văn bản, quy định, thủ tục hành chính áp dụng cho ngành thủy sản đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến DN và hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản” - ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vasep nhận định như vậy khi nói về những khó khăn đối với các DN thủy sản trong thời gian qua.
Chi phí ngoài luồng chiếm 10% doanh thu
Số liệu của VCCI cho biết, năm 2019, vẫn còn tới 55% DN vẫn phải chi phí không chính thức cho bộ máy công quyền, một bộ phận lớn DN phải bôi trơn với chi phí chiếm tới 10% tổng doanh thu. Đó là một thực tế đáng buồn mà hầu hết các DN hiện nay vẫn gặp phải. Thực tế này khiến cho các DN rất e ngại khi muốn khởi nghiệp.
Không phủ nhận, thời gian qua nhà quản lý đã rất nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm bớt những áp lực về “giấy phép con” cho cộng đồng DN. Song, thực tế nhiều DN vẫn đang gặp phải “mớ bòng bong” các loại thủ tục, giấy tờ, các loại xin phép, rồi chờ đợi, thấp thỏm và hy vọng. Thế nên mới có nhà đầu tư than rằng, muốn đầu tư vào một lĩnh vực nào đó nhưng động đến cái gì cũng phải xin, rồi lại phải đi qua nhiều “cửa”, làm nhiều thủ tục, phải “lo lót” để được chấp nhận... Nếu tình trạng này không được loại bỏ, thì còn lâu DN Việt mới có thể nâng được sức cạnh tranh.
Có DN cho biết, lo xong thủ tục, yêu cầu của nhà chức trách, phía đối tác chờ lâu quá đơn phương hủy luôn hợp đồng. Vậy là DN mất luôn cơ hội làm ăn. Ở đây, rõ ràng, chính sách từ phía nhà quản lý lại trở thành rào cản ngáng chân DN.
Và như vậy, rõ ràng cộng đồng DN vẫn chưa thể bứt phá khi vẫn còn gặp phải hàng “mớ” những thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng như các quy định ngáng chân, mà theo như ý kiến của giới chuyên gia, có những quy định đáng lẽ không nên có, xuất hiện rất thừa, chẳng khác gì “vẽ rắn thêm chân”.