Thấy gì từ điểm sáng xuất siêu?

H.Hương 24/09/2020 08:38

Nửa đầu tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 361,5 tỷ USD. Việt Nam ghi nhận con số xuất siêu kỷ lục 14,5 tỷ USD. Đây có lẽ là tín hiệu vô cùng đáng mừng trong khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Trước đó, chốt thời điểm cuối tháng 8 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 336,92 tỷ USD; cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu gần 13,5 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD).

Như vậy cứ sau 15 ngày, nền kinh tế thặng dư thêm 1 tỷ USD. Có tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Cụ thể, điện thoại và linh kiện với kim ngạch gần 2,33 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm lên 33,9 tỷ USD, là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất.

Các nhóm hàng “tỷ đô” còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 2,2 tỷ USD (lũy kế từ đầu năm đạt 29,9 tỷ USD); dệt may gần 1,37 tỷ USD (lũy kế từ đầu năm đạt 20,63 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt gần 1,22 tỷ USD (lũy kế từ đầu năm đạt 16,6 tỷ USD).

Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế ADB cho biết, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Nếu so sánh trong chuỗi thời gian dài từ đầu năm đến nay xuất siêu có được là nhờ xuất khẩu vẫn giữ được nhịp, trong khi đó nhập khẩu giảm. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh dịch Covid19 kéo dài, một số ngành hàng xuất khẩu vẫn trụ vững cho thấy nền kinh tế vẫn có điểm sáng, doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được thời cơ, để trong nguy có cơ.

Những ngày này, thị trường gạo đón nhiều tin vui. Nhưng đó chỉ là một mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Với cà phê thì sao? Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, EU hiện là thị trường lớn thứ hai của cà phê của Việt Nam, chiếm trên 42% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn cho nền kinh tế, nhưng bánh mì, sữa, cà phê... vẫn là những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại EU.

Với những cơ hội từ Hiệp định EVFTA, mặt hàng cà phê Việt Nam có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới do cà phê Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%. Mặt khác, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.

Đó là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, khi xuất siêu do nhập khẩu giảm cũng cảnh báo về sức khoẻ cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Đó là doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động nên không nhập nguồn nguyên liệu để kinh doanh sản xuất.

H.Hương