Xét chức danh GS, PGS năm 2020: Kiểm tra kỹ chất lượng các bài báo quốc tế của ứng viên
Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 416 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020. Số lượng ứng viên nói trên ít hơn so với năm 2019. Đánh giá ban đầu cho thấy chất lượng GS, PGS năm nay đã được nâng lên…
Hơn 400 ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn
Trong số đó, có 65 ứng viên được đề nghị đạt chuẩn GS, 351 ứng viên được đề nghị đạt chuẩn PGS ở 26 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành. Nhiều ngành không có ứng viên nào được xét công nhận đạt chuẩn GS mà chỉ có PGS như: ngành Giao thông Vận tải; ngành Khoa học Trái đất - Mỏ; ngành Luật học; liên ngành Luyện kim; ngành Ngôn ngữ học; ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học; ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học; liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật -Thể dục Thể thao; ngành Văn học; ngành Xây dựng - Kiến trúc.
Trước đó, có 603 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS . Trong đó, có 93 ứng viên GS, 510 ứng viên PGS, chưa tính đến các ứng viên thuộc khối Khoa học Quân sự và Khoa học An ninh. Tuy nhiên, thời gian qua một số ứng viên nhận thấy chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nên đã rút hồ sơ. Kết quả, còn lại 470 ứng viên nộp hồ sơ tại các HĐGSCS.
Sau khi xét đạt ở cấp HĐGSCS, còn 416 ứng viên được đề nghị xét ở 26 HĐGS ngành, liên ngành. Số lượng này ít hơn năm 2019 (555 ứng viên được đề nghị xét công nhận).
Siết chất lượng các bài báo quốc tế
Đánh giá ban đầu cho thấy, chất lượng ứng viên GS, PGS năm 2020 được nâng lên, năng lực ngoại ngữ tốt. Hầu hết các ứng viên đã có nhiều bài báo đăng trên tạp chí quốc tế quy tín.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) về những vấn đề cần thống nhất trong việc thực hiện xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2020 thì các HĐGS ngành, liên ngành phải kiểm tra chất lượng các bài báo quốc tế của ứng viên khi xét công nhận GS, PGS năm 2020.
Trong đó yêu cầu, phải loại bỏ các bài báo có nội dung trùng lặp. Đối với các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín của ứng viên, HĐGSNN yêu cầu HĐGS ngành, liên ngành trong quá trình xét công nhận chức danh phải kiểm tra chất lượng của các bài báo, có phù hợp với chuyên ngành đăng ký của ứng viên hay không, loại bỏ các bài có nội dung trùng lặp (chỉ tính 1 lần) theo quy định.
HĐGSNN cũng yêu cầu xem xét tác giả chính, các thông tin xuất bản (ngày nhận, phản hồi, chấp nhận và xuất bản), số tạp chí; phỏng vấn ứng viên trong phiên họp báo cáo khoa học tổng quan để làm rõ những lý do ứng viên đăng bài số lượng lớn trong thời gian ngắn như ứng viên tham gia các nhóm nghiên cứu; xuất hiện yếu tố nước ngoài (địa bàn nghiên cứu, dữ liệu, số liệu nước ngoài, tác giả nước ngoài…).
Cùng với đó, yêu cầu HĐGS ngành, liên ngành năm 2020 cần kiểm tra một số thông tin như thời gian phản biện (ngày nhận, phản hồi, chấp nhận và xuất bản); một nhà xuất bản phát hành đồng thời nhiều tạp chí; phỏng vấn ứng viên để làm rõ lý do đăng bài với danh nghĩa cơ quan khác với cơ quan đang công tác.
Về tiêu chí xác định tác giả chính của bài báo khoa học, HĐGSNN yêu cầu xác định theo quy định của từng tạp chí cụ thể (tác giả đứng đầu, tác giả liên hệ…); không chấp nhận xác nhận từ nhóm tác giả…