Về việc phát tán 900 thư nặc danh thông tin sai sự thật tại Đà Nẵng: Phạt chưa đủ răn đe

Thanh Tùng 24/09/2020 09:20

Công an TP Đà Nẵng vừa tìm ra thủ phạm phát tán 900 thư nặc danh, đưa thông tin sai sự thật, hạ uy tín các trường đại học (thành viên của Đại học Đà Nẵng ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên) và một số trường Đại học dân lập trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn trước mức phạt (5 triệu đồng cho 2 thủ phạm trực tiếp soạn thảo, phát tán thư nặc danh) liệu đã đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự?

Tòa nhà Đại học dân lập Duy Tân ở đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng). Ảnh: Thanh Tùng.

Mùa tuyển sinh năm 2020, học sinh lớp 12 các trường THPT ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhận được bưu phẩm không đề tên, địa chỉ người gửi bên trong chứa các tài liệu quy chụp về hạn chế, khiếm khuyết, bất cập của nhiều trường đại học (thuộc Đại học Đà Nẵng) như Kinh tế, Bách khoa, Sư phạm, Ngoại ngữ cùng một số trường đại học dân lập như Đông Á, FPT, Kiến Trúc.

Đơn cử: Đại học Kinh tế, học phí khá cao, nhiều phụ phí, chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Đại học Ngoại ngữ, không đổi mới về hình thức giảng dạy, nặng lý thuyết, ít thực hành. Đại học Sư phạm chuyên môn giảng dạy khá thấp vì được nâng cấp từ hệ cao đẳng…Các trang giấy A4 trong bưu phẩm còn định hướng để học sinh cuối cấp TPPT khu vực miền Trung – Tây Nguyên lựa chọn Đại học dân lập Duy Tân (có trụ sở chính ở đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Công an TP Đà Nẵng vào cuộc điều tra và đến ngày 21/9 có văn bản gửi Đoàn ĐBQH TP cùng các cơ quan liên quan, nêu đích danh thủ phạm phát tán thư nặc danh là ông Lê Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm mô phỏng của Đại học Duy Tân và bà Trần Thị Thắm (cộng tác viên tuyển sinh Đại học Duy Tân).

Ông Lê Văn Chung trong vai trò Trưởng đoàn tuyển sinh phía Nam của Đại học dân lập Duy Tân với sự giúp sức của bà Trần Thị Thắm, đã soạn thảo, phát tán 900 thư nặc danh nhằm thu hút học sinh các tỉnh, TP của miền Trung – Tây Nguyên thi tuyển vào Đại học Duy Tân.

Căn cứ Điểm L, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ của Chính phủ về “viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vụ cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân”, Công an TP Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền 5 triệu đồng đối với ông Chung và bà Thắm.

Tuy nhiên, mức phạt này đã vấp phải phản ứng của nhiều người vì quá nhẹ, không đủ sức răn đe, ngăn chặn những vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Khoản 6, Điều 3 (Luật Cạnh tranh 2018) nêu rõ, cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Khoản 3 Điều 111 Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định: phạt tiền tối đa 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các trường đại học cũng là chủ thể doanh nghiệp vì thế nên việc cạnh tranh cũng được nhìn nhận là tất yếu nhưng phải dựa trên cơ sở minh bạch, công bằng.

Dư luận cũng mong sớm có câu trả lời về tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nào sau vụ phát tán 900 trang tài liệu vi phạm pháp luật. Bởi ông Lê Văn Chung và bà Trần Thị Thắm không thể tự đứng ra làm việc này.

Cạnh tranh là tất yếu của phát triển nhưng không thể cạnh tranh bằng mọi giá – nhất là trong môi trường giáo dục.

Thanh Tùng