Phép thử cho điện ảnh Việt
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi nhiều dự án phim nước ngoài đang phải dừng vô thời hạn thì phim Việt đang tìm cách tỏa sáng trên sân nhà.
Báo cáo của nhiều đơn vị phát hành phim cho biết, doanh thu sụt giảm mạnh, nhiều rạp phải giảm nhân viên, hoạt động cầm chừng và thậm chí một số rạp có nguy cơ bị đóng cửa. Từ tháng 1 đến tháng 3/2020 (trước khi giãn cách xã hội, rạp phim đóng cửa vì Covid-19), có 9 phim Việt ra rạp. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến tháng 8 (sau đợt giãn cách xã hội và trong đợt dịch thứ hai), chỉ có 5 phim Việt ra rạp.
Tuy nhiên, những bộ phim nội ra rạp đã không phải lo cạnh tranh với các sản phẩm điện ảnh đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Theo ông Nguyễn Thạch Cương - đại diện Lotte Cinema, thị trường điện ảnh Việt Nam phục hồi nhanh, khán giả sẽ không ngần ngại trở lại rạp nếu phim có đủ sức hút. Thời điểm tháng 10, 11, 12 năm nay không có phim “bom tấn” ngoại là cơ hội cho phim Việt. Hiện tại, rạp chiếu mong có phim hay, khán giả cũng chờ đợi. Vẫn theo ông Cương, hiện các rạp chiếu đều dốc sức hỗ trợ phim Việt. Như phim “Ròm” sắp ra rạp, phía Lotte Cinema sắp xếp nhiều suất chiếu, khung giờ vàng, tăng độ quảng bá, truyền thông để giúp thông tin phim đến khán giả nhiều nhất có thể. “Ròm” do CGV Việt Nam phát hành chính, đang được người trong giới trông chờ, kỳ vọng và cũng thử nghiệm xem kết quả thế nào từ sự hợp lực hỗ trợ của phía phát hành.
Đồng quan điểm, bà Mai Hoa - Giám đốc khối vận hành Galaxy Cinema bày tỏ, chúng ta rất cần sự tỉnh táo và xác định sẽ sống chung lâu dài với vấn nạn Covid-19. Phải điều chỉnh xây dựng rạp, đầu tư cho khâu sản xuất phim. Hiện phim Việt đang có cơ hội lớn và chúng ta phải làm sao nắm bắt ngay cơ hội vàng này. Dịp này chúng ta có thể tổ chức tuần, tháng phim Việt để dần lôi kéo khán giả quay trở lại rạp.
Còn theo bà Ngô Bích Hiền - Phó Chủ tịch BHD, giai đoạn hiện nay, để hỗ trợ lẫn nhau, phía phát hành và nhà sản xuất có thể cùng ngồi lại bàn bạc, thảo luận để đưa ra một sự bảo đảm nào đó. Ví dụ, phim Việt sẽ hưởng một tỉ lệ phân chia doanh thu phòng vé ưu đãi hơn theo thỏa thuận. Nhà phát hành cũng có thể cam kết với nhà sản xuất để phim chiếu 2 tuần hoặc chiếu bao nhiêu suất, khung giờ vàng ra sao? Những điều cụ thể này chắc chắn sẽ giúp tạo được điểm chung, để bắt tay cùng vượt khó khăn. Ở thời điểm quý 4 này gần như không có phim bom tấn của Hollywood, rất cần có những cuộc gặp mặt, cùng nhau trao đổi giữa các nhà sản xuất và phát hành, đồng lòng thúc đẩy phim Việt phát triển.
Về phía Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho rằng, chính khi các phim “bom tấn” nước ngoài dời lịch, đây là thời điểm vàng cho phim nội. Vì thế, “các nhà sản xuất phim cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phân bố lịch khởi chiếu hợp lý, tránh việc phim Việt cạnh tranh nhau cùng thời điểm hoặc đối đầu trực tiếp với bom tấn nước ngoài. Các nhà phát hành phim nên hỗ trợ quảng cáo, tăng suất chiếu cho phim Việt, nhất là vào các khung giờ vàng. Triển khai các chương trình ưu đãi kích cầu phim Việt đến với khán giả để tạo lại thói quen đến rạp xem phim cho người hâm mộ. Với những tác phẩm điện ảnh chất lượng, kèm theo chương trình ưu đãi hấp dẫn và sự ủng hộ nhiệt thành của khán giả, tôi tin rằng điện ảnh Việt Nam sẽ vững vàng, mạnh mẽ vượt qua những thách thức trong giai đoạn này.
Thuận lợi với phim Việt là điều thấy rõ nhưng thị trường vẫn đang còn khá dè dặt. Ngoài trường hợp phim “Ròm”, sẽ ra rạp vào ngày 25/9 tới đây, trong tháng 10 và 11 tới, chỉ lác đác 1 - 2 phim Việt sẽ ra rạp như “Thang máy”, “Sài Gòn trong cơn mưa”… Các phim đều đổ dồn lịch phát hành sang tháng 12. Những phim được kỳ vọng như “Trạng Tí”, “Lật mặt 5”, “Tiệc trăng máu”… đã dời lịch chiếu sang mùa Tết 2021. Thực trạng này có thể do các đơn vị sản xuất và phát hành chưa đạt được những thỏa thuận cần thiết, trong đó có cả yêu cầu khắt khe là phim phải được sản xuất theo chất lượng âm thanh, hình ảnh đúng chuẩn, phù hợp ứng dụng...
Tuy nhiên, dù lý do gì đi chẳng nữa, điện ảnh Việt đang rất cần một “đòn bẩy” để vực dậy sau đại dịch. Ở đó, cần sự chung tay của cả một tập thể từ cơ quan quản lý, đến đơn vị phát hành, nhà làm phim… Và như lời đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, điều có thể kéo khán giả đến rạp xem phim vẫn phải là những bộ phim hay, những bộ phim khiến khán giả được vui, buồn, được cười và khóc, được cảm nhận tình yêu, hay nỗi sợ hãi, được hét lên, hay được ôm chầm lấy ai đó. Những nhà làm phim như chúng tôi vẫn đang và sẽ phấn đấu tạo nên những bộ phim chất lượng đem đến cho khán giả những trải nghiệm đáng nhớ đó, cho dù có dịch bệnh hay không.