Nam Định khôi phục vị thế vốn có của Thành Nam
Đây là một trong những mục tiêu được Đảng bộ tỉnh Nam Định nêu ra trong báo cáo chính trị trình đại hội Đảng bộ tỉnh tỉnh lần thứ 20.
Sáng nay, 24/9, tại Nhà văn hóa trung tâm 3-2 (TP Nam Định), đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc phiên chính thức, với sự tham dự của 350 đại biểu đại diện cho gần 111.000 đảng viên của Đảng bộ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị ở Trung ương cùng tham dự.
Toàn tỉnh “cán đích” nông thôn mới sớm hơn 1,5 năm
Báo cáo chính trị tại đại hội do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị trình bày cho biết, 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.
BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành 5 Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển chung của tỉnh. Kết quả là, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra (Trong đó, có 06 chỉ tiêu vượt và 09 chỉ tiêu đạt).
Trong đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được mở rộng. Tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 7,9%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,9%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,1%. Tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành gấp 1,8 lần; GRDP bình quân đầu người gấp khoảng 2 lần. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp gấp 1,8 lần. Tổng trị giá hàng xuất khẩu gấp 2,1 lần. Vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,2 lần; Thu ngân sách gấp 2,1 lần…
Trong nhiệm kỳ, đến giữa năm 2019, 100% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu); là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước “cán đích” nông thôn mới.
Tỉnh đã hoàn thành và đang tiếp tục triển khai một số dự án, công trình trọng điểm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều thành tích mới. Riêng ngành giáo dục-đào tạo của tỉnh tiếp tục duy trì thành tích 25 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Nam Định tiếp tục được cải thiện rõ rệt, Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn dưới 1%.
Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường; chất lượng công tác xây dựng Đảng được nâng lên; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
“Đây là nền tảng, tiền đề thuận lợi để Nam Định bước vào giai đoạn phát triển mới nhanh, bền vững; hướng tới mục tiêu đến năm 2030, là tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Hồng”, báo cáo nhấn manh.
Không ít hạn chế, khuyết điểm
Cùng với những kết quả, thành tựu, báo cáo cũng chỉ rõ những mặt hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lịch sử của tỉnh từ thời Pháp thuộc cho đến những năm đầu đổi mới. Tỉnh chưa xúc tiến, thu hút được các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường. Thu ngân sách còn thấp so với các địa phương trong vùng. Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc xây dựng, phát triển thành phố Nam Định từng bước hình thành một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa tạo sự chuyển biến rõ nét.
Một số dự án lớn, công trình trọng điểm của tỉnh có tiến độ triển khai thực hiện chậm so với dự kiến đầu nhiệm kỳ; nhất là: Dự án Tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Xử lý Khu công nghiệp Mỹ Trung...
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư một số mặt chưa đạt yêu cầu: Thủ tục về đất đai, đầu tư đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Công tác quy hoạch chưa bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữa các quy hoạch còn thiếu đồng bộ; Sự phối hợp giữa cấp và ngành, giữa ngành với ngành ở một số thời điểm chưa chặt chẽ; Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành chưa phát huy hết tính hiệu quả; Việc phối hợp theo dõi, tính toán các số liệu thống kê kinh tế - xã hội của từng ngành còn nhiều bất cập; Quỹ đất để phục vụ cho công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án có vốn lớn, công nghệ cao và các nhà đầu tư ở tầm chiến lược còn hạn chế.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu: Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tuy tiếp tục phát triển nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn chưa hình thành được các doanh nghiệp có giá trị và quy mô lớn; chưa tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Sản xuất nông nghiệp có quy mô còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu chưa mạnh; tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện chưa đồng bộ, còn chậm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chưa thực sự bền vững, chưa tạo được gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tập trung, tích tụ ruộng đất còn khó khăn, còn tình trạng bỏ hoang ruộng đất canh tác. Công tác quản lý tài nguyên môi trường còn nhiều bất cập. Công tác quản lý đất đai tuy có chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp. Quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, y tế, giáo dục có mặt còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nội chính ở một số địa phương, cơ quan có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức. Một số loại tội phạm, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp chưa được giải quyết dứt điểm.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và định hướng dư luận có lúc, có nơi còn chậm. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa đều, chưa thực sự đi vào chiều sâu, một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của một số cấp ủy chưa quyết liệt, chưa chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra giám sát. Việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công.
Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; tuy nhiên có việc chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới; việc tập hợp, đoàn kết đoàn viên, hội viên còn gặp khó khăn. Việc nắm tình hình nhân dân, phối hợp tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là ở một số cơ sở còn bị động, hiệu quả chưa cao; công tác tham mưu tổ chức hoạt động đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chưa thường xuyên.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được các chỉ tiêu, Đảng bộ Nam Định đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; nhất là các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao, có nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển; sớm hình thành đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và khu kinh tế ven biển Nghĩa Hưng thành Trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của Miền Bắc nước ta. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Nam Định cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Tập trung khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một hiện đại, theo hướng ưu tiên cho các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, kênh mương, y tế, văn hóa, giáo dục; các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai.
Tiếp tục củng cố vững chắc quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh tuyến biển, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
3 khâu đột phá
Đồng thời, Đảng bộ Nam Định xác định 3 khâu đột phá, gồm: Tập trung xây dựng và điều chỉnh các loại quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; Tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đồng bộ theo hướng hiện đại; nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tính chiến lược phát triển về giao thông, khu, cụm công nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục, hạ tầng thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển phía Nam của tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục và phát triển thành phố Nam Định là 1 trong 3 thành phố lớn của Miền Bắc thời kỳ Pháp thuộc (đất Thành Nam) và là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ Nam Định để ra các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh 2020) tăng bình quân 8,5-9,5%/năm. Thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2025: trên 100 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 11% ; Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ: 89%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hàng năm tăng từ 14-14,5%/năm; Tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn năm 2025 đạt trên 4,0 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 16,5-17,5%/năm. Thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn năm 2025 đạt trên 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến 2025 đạt 80%. Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội đến năm 2025 giảm xuống còn dưới 0,15% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 trên 95% dân số. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó tỷ lệ được cung cấp nước sạch đạt trên 98% dân số).
Phấn đấu đến năm 2025: 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 80%; trong đó “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” từ 15% đến 20%. Tỷ lệ chính quyền cơ sở vững mạnh đạt 80% trở lên.