Hoan nghênh tinh thần tự phê bình và phê bình của Đảng bộ Nam Định
Cùng với biểu dương, chúc mừng những kết quả Đảng bộ và nhân dân Nam Định đạt được trong 5 năm qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh tinh thần tự phê bình và phê bình của Đảng bộ Nam Định về những mặt, những điểm còn hạn chế, yếu kém; chỉ đạo, định hướng nhiều vấn đề quan trọng đối với Đảng bộ trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, sáng 24/9, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chín thức khai mạc với sự tham gia của 350 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 111.000 đảng viên toàn Đảng bộ
Về dự, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
“Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Nam Định đạt được trong 5 năm qua là rất đáng trân trọng, tạo tiền đề vững chắc để Nam Định tiếp tục vươn lên khẳng định mình”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo Phó Thủ tướng Thường trực, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ tỉnh còn có một số hạn chế, khuyết điểm cần được phân tích, đánh giá xác đáng, tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục, đó là:
Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống lịch sử của tỉnh; chưa tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế, chưa tận dụng được nhiều tiến bộ công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho phát triển; chưa thu hút được các dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường. Kinh tế biển chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. Xây dựng phát triển thành phố Nam Định chưa tạo được chuyển biến rõ nét. GRDP trên đầu người đứng thứ 25/63 tỉnh/thành, thấp hơn mức trung bình cả nước.Thu ngân sách còn thấp so với các địa phương trong vùng.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của một số cấp ủy chưa quyết liệt, chưa chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
“Đó là những hạn chế, yếu kém đã được các đồng chí chỉ rõ trong báo cáo chính trị và nhất là trong báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh. Tôi hoan nghênh tinh thần tự phê bình và phê bình của các đồng chí và tin tưởng rằng những hạn chế, yếu kém đó sẽ được khắc phục ngay từ ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Đại hội lần thứ 20 Đảng bộ tỉnh Nam Định với chủ đề: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước ” có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm và khát vọng, định hướng cho sự phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ mới và tầm nhìn đến năm 2030.
Cơ bản nhất trí với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu Đảng bộ Nam Định đề ra trong 5 năm tới, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đề ra đòi hỏi toàn Đảng bộ phải đoàn kết, thống nhất hơn nữa, có quyết tâm rất cao, tạo bước đột phá để phát triển; cùng nhau xây dựng một tinh thần, một ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết không thua kém, tụt hậu so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đại hội phải xác định nhiệm kỳ tới dù là thời cơ, thuận lợi, hay khó khăn, thách thức đều là động lực thôi thúc toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu một số nội dung để Đại hội nghiên cứu tập trung thảo luận:
Một là, cần phân tích sâu thêm và nhận thức rõ hơn về những thời cơ thuận lợi và những khó khăn, thách thức của tình hình thế giới, khu vực và trong nước tác động đến sự phát triển của tỉnh nhà trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền địa phương nhiệm kỳ qua, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác tốt lợi thế vượt qua khó khăn, thách thức để đưa Nam Định phát triển nhanh, bền vững, hoàn thành cho được mục tiêu “Đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”. Xác định rõ vị trí, vai trò của Nam Định để xây dựng quy hoạch không gian phát triển với tầm nhìn mở, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
Hai là, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp. Thực hiện tốt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, nhất là các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; ưu tiên các ngành nghề ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối...
Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển theo tinh thần NQ 36-NQ/TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển; chú trọng phát triển du lịch với điểm nhấn về du lịch sinh thái, du lịch tâm linh khai thác các yếu tố văn hóa nhà Trần…Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường ven biển kết nối với đường ven biển Ninh Bình và Thái Bình; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là cho các dự án có vốn đầu tư lớn, có khả năng hoàn thành sớm, tạo sức lan tỏa phát triển KT-XH của tỉnh năm 2020, 2021 và tạo đà cho các năm tiếp theo; sớm hình thành đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và khu kinh tế ven biển Nghĩa Hưng thành Trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của Miền Bắc. Tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để tìm ra các giải pháp xây dựng, phát triển thành phố Nam Định đến năm 2030 cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Ba là, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp; Phấn đấu đến năm 2025 có 50% số xã/thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã/thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.
Bốn là, tiếp tục quan tâm, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; Phát huy truyền thống hiếu học, thành tích và chất lượng giáo dục - đào tạo những năm qua, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 đang diễn ra.
Năm là, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương trong Đảng; Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng và phòng chống các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biển; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; Thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân.
“Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ, trước nhân dân, các đồng chí tập trung trí tuệ tham gia đóng góp vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đề nghị các đồng chí cần liên hệ với tình hình thực tế ở địa phương, thảo luận sâu những hạn chế, những yếu kém, đánh giá một cách khách quan, trung thực, đặc biệt cần tập trung phân tích kỹ, sâu sắc nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém đó, nêu rõ trách nhiệm, kiến nghị các giải pháp khắc phục”, ông Trương Hòa Bình chỉ đạo.
Liên quan đến công tác bầu BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu của Đại hội cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về công tác nhân sự Đại hội, phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, sáng suốt lựa chọn các đồng chí tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo và sức khỏe bầu tham gia BCH Đảng bộ tỉnh khóa 20; bầu một lần đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, theo cơ cấu theo phương án nhân sự đã được duyệt để BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực sự là hạt nhân lãnh đạo, đủ năng lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Đại hội cần xem xét lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, để bầu vào Đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
“Nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định tiếp tục phát huy thế mạnh của miền đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, anh hùng và cách mạng, quê hương của các bậc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và nhiều đồng chí lãnh đạo đã và đang đảm nhiệm những cương vị trọng trách của Đảng và đất nước, tinh thần hào khí Đông A rực rỡ-sức mạnh của sự đồng tâm, nhất trí từ trên xuống dưới, Nam Định nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình thể hiện sự tin trưởng.