200 năm ngày mất Nguyễn Du: Những con số 'biết nói' trong Truyện Kiều
Những con số trong tác phẩm trứ danh của đại thi hào Nguyễn Du không chỉ hé lộ và giải thích quan niệm dân gian Việt Nam mà còn giúp mô tả nhân vật Thúy Kiều một cách đậm đà, vẹn toàn tài sắc.
Nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm từ ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820), những góc nhìn mới về áng văn thơ bất hủ của dân tộc - “Đoạn trường tân thanh” hay còn được biết đến là "Truyện Kiều" lại có dịp để tiếp cận gần hơn với công chúng.
Song, không cần chờ tới ngày kỷ niệm, các nhà làm nghệ thuật đã liên tục nối dài những giá trị dân tộc qua việc đưa câu chuyện của nàng Kiều vào những vở ballet của sân khấu Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, hay dựng thành kịch như vở “Hoạn Thư ghen” (kịch bản của Phương Văn)...
Các nhà nghiên cứu cũng vậy. Ngày qua ngày, họ vẫn miệt mài để đào sâu tìm tòi, khai thác, bóc tách những điều mới mẻ trong tác phẩm đã tồn tại hơn 200 năm nay. Mỗi đề tài mới mở ra lại kéo theo một khối kiến thức đồ sộ về đời sống, lối suy nghĩ của người Việt.
Trong một đề tài nghiên cứu thú vị của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình Tuấn, một thành viên của Hội Kiều học Việt Nam, ông đã dùng những lý giải về nhận thức con người và dùng chất liệu dân gian Việt để giải thích về dụng ý của những con số mà Nguyễn Du đã viết trong tác phẩm để đời của mình.
Một, hai là ít - ba là số nhiều
Dưới diễn giải của nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, ý nghĩa của các con số đều trở nên dễ hiểu và mang đậm chất đời sống dân gian. Qua 411 câu thơ có sử dụng số đếm, tri thức hay sự hiểu biết về con số của Nguyễn Du phản ánh một cách trực quan trong "Truyện Kiều" và sự hiểu biết về con số của người đọc cùng thời trước hết là phải tương đồng, và những tri thức ấy là một quá trình mang tính lịch sử và văn hóa.
Giới hạn cảm nhận trực quan về số của con người không quá số 4. Trong quá trình học đếm của người tiền sử hoặc của những tộc người cổ xưa, số lượng một (1 cái) và một cặp (2 cái) được nhìn thấy, nhận ra và học đếm dễ dàng, trong khi đếm số lượng từ ba trở lên thể hiện cảm giác nhiều một cách rõ nét.
Ông Trần Đình Tuấn dẫn chứng trong từ điển tiếng Việt, số ba (nghĩa tính từ) có nghĩa là: nhiều, số chín là rất nhiều, số mười là đủ hết, hoàn toàn và toàn vẹn. Như vậy, trong tương quan số ba là nhiều, là đầy đủ thì số một và số hai có thể hiểu là số ít và là sự chưa đầy đủ.
Hệ thống nói số do ông chỉ ra bao gồm: Một và hai thể hiện sự ít, thiếu, chưa đủ; ba nghĩa là nhiều, mãn, đầy, đủ; tư là nhiều trông thấy; năm thể hiện sự cân bằng, trung tâm; chín thể hiện sự vô vàn, rất nhiều và mười thể hiện sự toàn vẹn.
“Những con số làm cho ‘Truyện Kiều’ và kết cấu câu chuyện trở nên súc tích, thẩm thấu vào người nghe một cách trực quan nhất. Đó là một sự tiện lợi, cách thức và giá trị mà người Việt cần gìn giữ cho các thế hệ sau,” nhà nghiên cứu nhận định.
Như vậy, Nguyễn Du dùng những con số trong thơ dùng như một hình thức thi pháp, đồng thời là sự giản tiện về ngôn ngữ và mang giá trị thẩm mỹ của người Việt.
Với góc độ này, người đọc có thể hiểu, trong câu thơ “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài,” “ba chữ tài” có nghĩa là rất tài, tài đúng nghĩa, thực tài. Ở đây, ý tác giả muốn nói, chữ tài đúng nghĩa phải nương tựa vào chữ tâm, nếu không thì “Chữ tài đi với chữ tai một vần.” Từ đó, đây là nhắc nhở của Nguyễn Du tới người đời rằng: Khi dụng tài, không được quên tu tâm tích đức.
Tương tự, Nguyễn Du cũng thể hiện sự chút ít, không đầy đủ qua những câu thơ có các từ “một,” “hai.” cũng chính là mô tả sự ít, thiếu, ví dụ như khi Kim Trọng ngỏ ý muốn gắn bó với Kiều một cách tế nhị như “Tiện đây xin một hai điều” hoặc “Chút chi gắn bó một hai.”
Ba cuộc tình, ba phẩm chất được nêu cao
Dẫn chứng quy luật “Tam nhất,” nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn diễn giải số ba còn được coi là sự đủ tối thiểu của một vấn đề, một tính chất, một nội dung. Ví dụ, thành ngữ “một nắng hai sương” là ý nói một ngày lao động vất vả gồm ba nội dung: sương ban sớm; nắng ban ngày và sương chiều muộn.
Đây cũng là sự tài tình của Nguyễn Du khi sử dụng quy luật “Tam nhất,” ba cuộc tình đã thành công mô tả ba khía cạnh để hoàn thiện cái đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của Thúy Kiều. Ba khía cạnh đó là: Nhan sắc, tài năng, và sự thông minh, sắc sảo. Ở mỗi cuộc tình, một trong ba khía cạnh trên được biểu lộ ra rõ nhất.
Qua lời thơ tài tình của Nguyễn Du, người đọc thấy rằng với Kim Trọng, nàng Kiều gảy đàn trong hân hoan, tự do trong cảm hứng nghệ thuật. Ở đây, nàng bộc lộ được khả năng cầm (chơi đàn) và thi (làm thơ, đối thơ) bên cạnh vẻ đẹp trời phú, điều này khiến Kim Trọng cảm phục và rung động. Với Thúc Sinh, hắn chỉ tìm đến Kiều vì nghe tiếng nàng Kiều xinh đẹp đã lâu, ít chú ý tới tài năng và phẩm chất thông minh, sắc sảo ở Kiều. Với Từ Hải, nàng vừa là một người con gái đẹp, tài năng, vừa là người có học nên vẫn biểu lộ được sự đoan chính, thanh cao cơ bản, nhờ ơn nàng mà Từ Hải quyết chí lên đường lập nghiệp.
"Như vậy, qua ba cuộc tình, Thúy Kiều hiện lên trọn vẹn ở cả ba góc độ: Nhan sắc, tài năng và sự thông minh, sắc sảo, chính thức bước lên ngôi 'nghiêng nước nghiêng thành,' ông Trần Đình Tuấn nói.
Từ tìm tòi con số mà tính cách nàng Kiều được vẽ lên rõ ràng và hoàn thiện, tô lên một vẻ đẹp hoàn mỹ cả về tài lẫn sắc. Qua đó, người đọc thấy rõ hơn cái tài hoa trong cách sử dụng câu chữ, cách tư duy, kể chuyện đầy khéo léo của Nguyễn Du.
Một lần nữa, tác phẩm vĩ đại này chứng minh được khả năng lưu trữ, gìn giữ không chỉ những giá trị nghệ thuật, thông điệp nhân văn cao đẹp mà còn cả những giá trị dân gian quý giá, đúc kết từ nhiều thập kỷ.