Lá chắn che chở cộng đồng
Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, để phục vụ công tác xét nghiệm cho các trường hợp nhập cảnh khi mở đường bay thương mại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành đàm phán mua sắm 10 nghìn test PCR, với cam kết thực hiện đúng quy định, đấu thầu công khai, minh bạch.
Cũng tại Hà Nội, ngày 23/9, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết ngay sau khi Hà Nội cho phép hoạt động trở lại với các quán bar, karaoke, trong ngày đầu tiên số người đến các quán bar khu Tạ Hiện quá đông. Tạ Hiện là một con phố trong khu phố cổ Hà Nội, về đêm hết sức tấp nập với rất đông người nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế, người dân đã có dấu hiệu chủ quan, không đeo khẩu trang khi ra đường. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hầu như chấp hành không tốt các biện pháp phòng dịch. “Nếu không kiểm soát tốt sẽ rất nguy hiểm”- ông Hiền nói.
Còn ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đảm bảo ít nhất 3.000 giường phục vụ cách ly thu phí với các trường hợp nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại.
Trong một diễn biến khác, hôm nay, ngày 25/9, Hà Nội sẽ đón chuyến bay đầu tiên đưa khách từ Seoul (Hàn Quốc) về Việt Nam sau quyết định mở cửa trở lại. Đây là chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chính thức về Việt Nam đầu tiên sau Covd-19 của hàng không Việt Nam. Được biết, chiếc Airbus A350 của Vietnam Airlines với hơn 300 chỗ thực hiện chuyến bay này, tất nhiên là sẽ áp dụng những quy định kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Trước đó, ngày 21/9, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4042/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch Covid-19. Kế hoạch phân loại đối tượng xét nghiệm theo ưu tiên 3 nhóm. Việc lựa chọn đối tượng căn cứ vào các yếu tố dịch tễ và lâm sàng. Đáng chú ý, kế hoạch này được phân thành nhiều giai đoạn: Giai đoạn có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đồng; giai đoạn bệnh lây lan rộng trong cộng đồng; giai đoạn chỉ phát hiện ca mắc từ nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng...
Với những thông tin liên tục, nối tiếp kể trên có thể thấy công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 ở ta đã bước vào giai đoạn mới, nhất là khi những chuyến bay thương mại dần dần được nối lại. Đó là điều cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Xin được nhắc lại, một trong những chủ trương đem tới thành công trong hai đợt chống dịch Covid-19 vừa qua, do Thủ tướng Chính phủ đề ra chính là “chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong”. Tất nhiên, tới nay, do biến đổi tích cực của tình hình nên việc mở cửa là đúng đắn, nhưng cũng chính vì thế càng cần hết sức kĩ càng trong việc phát hiện, xử lý không để dịch bệnh từ ngoài vào rồi lây lan ra cộng đồng.
Nếu thế, thành quả công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 sẽ giảm sút và quan trọng hơn sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường.
Qua hai đợt bùng phát dịch Covid-19 thời gian qua có thể khẳng định nguồn bệnh và phát tán ra cộng đồng đến từ bên ngoài là rất nguy hiểm. Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân 17; trường hợp ở thôn Sơn Lôi; trường hợp bệnh nhân 91; trường hợp quán bar Buddha tại TPHCM… Đây là những trường hợp dương tính với SAR-CoV-2 không phát hiện khi nhập cảnh; chỉ được phát hiện, cách ly và điều trị khi đã phát triển thành bệnh Covid-19. Điều đó cũng có nghĩa là trước đó họ đã lây cho nhiều người và sau đó số người bị nhiễm tăng lên theo cấp số nhân.
Nay, khi tình hình đã chuyển biến tích cực, việc mở cửa để mọi hoạt động dần bình thường trở lại là tất nhiên. Nhưng cũng không thể vì thế mà lơi lỏng công tác phòng dịch. Cả đường bộ (các tuyến biên giới), đường biển, đường không rồi đây sẽ mở rộng thông thương, nên công tác chặn dịch từ bên ngoài sẽ khó khăn hơn, từ đó càng cần được tiến hành kĩ lưỡng hơn. Hy vọng với phương thức xét nghiệm mới, thiết bị xét nghiệm tiên tiến, công việc sẽ thuận lợi.
Nhưng nhiệm vụ rất nặng nề vẫn còn trên vai lực lượng Biên phòng, Hải quan, Y tế chặn dịch khi số lượng người từ bên ngoài vào sẽ tăng mạnh. Dịch bệnh đã từng bước được đẩy lui, nhiều chục ngày cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng họ vẫn phải là chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống Covid-19. Nếu các lực lượng trên tuyến đầu, được coi là những tấm lá chắn, lơi lỏng thì hậu phương sẽ khó an toàn.
Nhớ lại những ngày căng thẳng trong đại dịch vừa qua, càng thấy tự hào, trân trọng những chiến sĩ Biên phòng xuyên đêm làm nhiệm vụ. Bữa ăn của các anh cũng vội vàng; giấc ngủ trong lán giữa rừng khuya sương lạnh cũng chập chờn. Ấy là vì bổn phận với đất nước, với đồng bào. Những tháng ngày ấy, cả nước lo lắng xiết bao khi những cơ sở y tế cũng lại có trường hợp Covid-19. Virus SARS-CoV-2 đã tấn công vào tấm lá chắn che chở cho cộng đồng…
Trong bối cảnh thế giới vẫn oằn mình vì đại dịch, người từ các nước vào Việt Nam dần nhiều hơn thì tấm lá chắn trên tuyến đầu che chở cho hậu phương, che chở cho cộng đồng lại càng phải chắc chắn. Viết tới đây lại thật buồn khi nghĩ tới việc nhiều cán bộ, nhân viên của CDC Hà Nội bắt tay với bên ngoài nâng khống giá máy xét nghiệm để trục lợi ngay trong lúc cả nước gồng mình chống Covid-19. Rồi đây họ sẽ phải đối diện với những bản án nghiêm minh. Nhưng như thế là đã có lúc “lá chắn” che chở cộng đồng đã bị đồng tiền xuyên thủng chỉ vì lòng tham của những kẻ bất lương…