Phát huy thế mạnh của mạng xã hội trong vận động ủng hộ người nghèo
Từ năm 2017, Chương trình truyền hình “Cả nước chung tay vì người nghèo” đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức nhằm lan tỏa những thông điệp yêu thương trong việc ủng hộ người nghèo. Tiếp nối thành công đó, Chương trình truyền hình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, đang được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai tích cực.
Phóng viên Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Sinh, Trưởng Ban Phong trào UBTƯ MTTQ Việt Nam về một số nét đổi mới của chương trình năm nay.
PV:Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra Chương trình truyền hình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, hiện Ban Phong trào đã triển khai những công việc cụ thể gì để tham mưu cho Ban Thường trực tiếp tục tổ chức thành công chương trình này?
Ông Trần Văn Sinh: Để tiếp tục phối hợp chuẩn bị tốt Chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020 nhằm phát động Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10 -18/11/2020), hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ban Phong trào đã tham mưu và giúp Ban Thường trực ban hành 21 văn bản liên quan đến việc tổ chức chương trình này.
Trong đó, có thể kể đến kế hoạch phối hợp chuẩn bị và tổ chức Chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020; thành lập Ban Tổ chức, Tổ giúp việc Ban Tổ chức Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020.
Mới đây nhất (ngày 22/9), Ban Phong trào cũng đã tham mưu tổ chức cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức Chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020 để dự kiến phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng thành viên Ban Tổ chức Chương trình và Tổ giúp việc từ đó góp phần tổ chức Chương trình đạt kết quả cao nhất.
Trong điều kiện rất khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là việc tổ chức Chương trình phải đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch bệnh. Với tinh thần đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phân công các ban, đơn vị chuyên môn liên quan phối hợp, thống nhất với Đài Truyền hình Việt Nam để xây dựng kịch bản chi tiết, phóng sự, chọn người giao lưu, văn nghệ… để Chương trình có những đổi mới so với năm trước, nhưng vẫn phù hợp với hoàn cảnh thực tế của năm nay.
Được biết tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo Trung ương với số tiền 74,9 tỷ đồng. Đến nay nguồn lực ủng này đã được hỗ trợ cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Từ nguồn tiếp nhận được, năm 2019 riêng Quỹ Vì người nghèo Trung ương đã tập trung hỗ trợ những địa phương khó khăn nhất trong cả nước xây dựng hơn 1.000 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, tặng hàng ngàn suất quà Tết cho người nghèo. Bên cạnh đó, nguồn lực từ Quỹ Vì người nghèo cũng được dành để hỗ trợ mua chăn ấm, áo ấm cho những trẻ em vùng nghèo, tặng quà Tết cho người nghèo.
Còn trong năm 2020, nguồn lực từ Quỹ Vì người nghèo Trung ương cũng sẽ tiếp tục tập trung vào trọng tâm là hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo hay việc thăm tặng quà cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân. Ban Phong trào đã có những đề xuất gì với Ban Thường trực để việc tổ chức vận động ủng hộ phù hợp với tình hình hiện tại?
- Như các chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm trước, hầu hết các doanh nghiệp đến tham gia đều có sự đóng góp ủng hộ. Nhưng trong năm nay với những khó khăn của đại dịch Covid-19, Chương trình sẽ có những sự đổi mới sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế.
Cụ thể, Ban Phong trào đã tham mưu cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi thư mời tới các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị, kể cả các tổ chức quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài tham dự. Trong Chương trình, Ban Tổ chức sẽ mời những doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng để họ có những sự ủng hộ, sẻ chia với người nghèo; đồng thời cũng tôn vinh ghi nhận những đóng góp cho người nghèo.
Một điểm mới nữa đó là Ban Phong trào cũng sẽ tham mưu với Ban Thường trực để vận động sự ủng hộ của những người tiêu biểu trong xã hội như các văn nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu, cầu thủ bóng để từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa thông điệp của tình yêu thương, tinh thần chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau đến toàn xã hội.
Thông qua vận động, đến thời hiện tại đã có những đơn vị nào đăng ký ủng hộ cho Chương trình, thưa ông?
- Hiện nay theo đăng ký bước đầu, mặc dù gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn VinGroup vẫn tiếp tục dành nguồn lực để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, trong đó tiếp tục ưu tiên hỗ trợ phẫu thuật và điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, người có công với nước có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó là một số các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cam kết sẽ đăng ký ủng hộ đối với Quỹ Vì người nghèo Trung ương và chương trình an sinh xã hội.
Trong năm nay, dù không tổ chức việc nhắn tin ủng hộ Quỹ Vì người nghèo nhưng Ban Phong trào có kế hoạch đề xuất, tham mưu với Ban Thường trực UBTƯ MTQT Việt Nam có hình thức mới để phát huy thế mạnh của mạng xã hội trong việc vận động ủng hộ. Qua kinh nghiệm tổ chức vận động ủng hộ phòng chống Covid-19 thì các mạng xã hội như Zalo, VinPay đã triển khai rất hiệu quả để huy động mọi nguồn lực ủng hộ cho Quỹ Vì người nghèo Trung ương.
Trân trọng cảm ơn ông!