Ngành bán lẻ thích ứng để tồn tại

Minh Phương 25/09/2020 09:15

Xu hướng mua sắm trực tuyến cũng như những dịch chuyển mới về công nghệ của nền kinh tế số đang đặt ra yêu cầu mới đối với ngành bán lẻ nước nhà. Vậy trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp bán lẻ phải làm gì để tồn tại?

Doanh nghiệp khó tiếp cận công nghệ số nếu người dân vẫn chưa chú trọng thanh toán online.

Robot đang dần thay thế con người

Trên thế giới, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa robot thay thế dần con người ở nhiều khâu từ bán hàng, thanh toán cho đến ship hàng… nhằm mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, ngành bán lẻ thế giới cũng đang vận hành theo xu hướng đó. Tại Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới, không khó để bắt gặp hình ảnh những robot đứng bán hàng tại các trung tâm thương mại.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành toàn cầu hiện nay, xu hướng mua sắm trực tuyến lại càng phát triển và đang dần thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Theo bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc Nielsen Việt Nam Khu vực phía Bắc, bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Tuy nhiên, hiện người dân mới chỉ click chuột mua đồ online, còn lại chủ yếu vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Đơn cử, trang mua sắm trực tuyến Tiki có khoảng 4,5 đến 5 triệu đơn hàng/tháng thì số thanh toán online chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là thanh toán tiền mặt. Trong khi đó, con số thanh toán điện tử ở các nước trong khu vực như Indonesia hay Malaysia lên đến 85%.

Phải tạo được niềm tin

Việc người dân chưa chú trọng thanh toán online cũng một phần nguyên nhân là do họ chưa hoàn toàn đặt niềm tin vào hình thức thanh toán này. Sở dĩ có thực tế đó là bởi, hàng hóa trên các kênh bán lẻ của chúng ta vẫn còn rất lộn xộn, không đảm bảo chất lượng, vẫn còn tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (phố Phương Mai, Hà Nội) cho biết, mua hàng trên shopee vài ba lần chị phát hoảng vì hàng sai hoàn toàn so với hình ảnh quảng cáo. Chất lượng khác hẳn với mong đợi và thực sự thất vọng với việc mua hàng tại trang này.

Nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự mất niềm tin vào kênh bán hàng online. Và theo giới chuyên gia, đó là lý do khiến cho việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các kênh thương mại điện tử chưa thể phát triển mạnh mẽ.

Điều này cũng được ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) thừa nhận khi cho rằng có hai trở ngại khiến người tiêu dùng vẫn còn phân vân khi mua hàng trực tuyến. Đó là sản phẩm kém chất lượng và giá cả không trung thực khiến người tiêu dùng dù mua hàng trực tuyến nhưng vẫn muốn thanh toán bằng tiền mặt. “Hiện nay, nhiều người tiêu dùng muốn nhận hàng và kiểm tra xem có đúng với quảng cáo của doanh nghiệp hay không rồi mới trả tiền. Vì vậy, dù là giao dịch trực tuyến nhưng thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm đến 90%” - ông Đức Anh nhận định.

Dù muốn hay không, chuyển đổi số cũng sẽ là xu hướng tất yếu, sẽ thay thế dần kinh doanh truyền thống. Và các DN bán lẻ buộc phải đặt mình vào vòng xoáy đó, hoặc chấp nhận rời ‘cuộc chơi số”. Nói như Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – TS. Đinh Thị Mỹ Loan, tốc độ chuyển đổi số đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai bất kể quy mô lớn nhỏ.

Tất nhiên, vấn đề tiên quyết vẫn là các DN phải tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng, khi đó mới có thể nói đến việc tồn tại và phát triển.

Minh Phương