Các gói hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả

T.Hằng 25/09/2020 08:40

Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang được quyết liệt triển khai. Tuy nhiên theo  phản ánh của nhiều DN, quá nhiều thủ tục rườm rà và lượng tiền được giải ngân hạn chế.

Thông tin được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc quy mô 16.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ chỉ mới có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện được tiếp cận.

Mặc dù cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN nhưng thực tế chỉ ra, sau khi triển khai, doanh nghiệp không mặn mà làm thủ tục.

Vậy tại sao lại diễn ra tình trạng này?

Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân DN chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, trong phòng, chống dịch đợt 1, nhiều DN cho lao động nghỉ việc luân phiên, không có lao động ngừng việc liên tục 1 tháng nên không đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay vốn theo quy định.

Được biết, quy trình để DN có thể chạm được gói 16.000 tỷ đồng không đơn giản. Đối tượng vay vốn do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu ban hành. Sau đó, các tỉnh sẽ xây dựng danh sách DN trình lên Ngân hàng Chính sách xã hội để ngân hàng giải ngân.

Theo đánh giá chung, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải, còn hạn chế. Cụ thể gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới triển khai được hơn 17,5 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ quá thấp; có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ. Các chuyên gia cho rằng cần có tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ để rút ra những điều chỉnh cần thiết.

Đại dịch Covid-19 gây tác động mạnh, sâu, rộng và lâu dài đến DN, trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng của DN, khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, doanh thu giảm do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn vốn lưu động, thị trường bị thu hẹp hoặc đóng cửa.

Do vậy, hơn bao giờ hết để vượt qua được sóng gió, ngoài sự nỗ lực của các DN thì bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng là cần thiết. Song theo phản ánh của các DN thì nên giảm nhẹ các điều kiện để các gói hỗ trợ tài khoá được lan toả rộng. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, có nhiều chủ sử dụng lao động, dù rất cần tiền nhưng vì điều kiện tiếp cận khó nên nản.

Chẳng hạn như Hiệp hội DN điện tử Việt Nam từng cho biết, một số DN đã nộp hồ sơ đăng ký gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tuy nhiên, DN này thấy rằng có nhiều thủ tục rườm rà, không phù hợp nên không tìm hiểu để tiếp cận những gói hỗ trợ này.

Điều quan trọng nhất trong hỗ trợ là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”. Việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể gây nguy cơ “trục lợi chính sách”, gây ra mất niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như người lao động. Song trên tất cả, bà Trần Thị Hồng Minh -Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định, tư duy hỗ trợ cần đảm bảo kịp thời, tập trung. Hiệu quả hỗ trợ DN, người lao động sẽ giảm bớt nếu các gói hỗ trợ chậm đi vào cuộc sống hoặc đòi hỏi quá nhiều thủ tục, giấy tờ.

T.Hằng