Giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương: Liệu có khách quan?
Sau những vụ gian lận thi cử chấn động, dư luận băn khoăn việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm toàn bộ liệu có đảm bảo an toàn và khách quan?
Cân nhắc lộ trình thực hiện
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, hiện Bộ GDĐT đã cân nhắc và đưa ra đề xuất về lộ trình thực hiện phương án thi cho từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, năm 2020, quyết định và công bố lộ trình triển khai để các bên liên quan biết, chủ động kế hoạch triển khai, nhất là đối với các sở GDĐT và các cơ sở giáo dục đại học.
Năm 2021, tổ chức thi cơ bản ổn định như năm 2020, phù hợp với mục đích của kỳ thi; ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi, quy định về tổ chức thi trên máy tính và thực hiện các thử nghiệm cần thiết.
Từ năm 2022, tổ chức thi cơ bản như năm 2020 phù hợp với mục đích của kỳ thi; từng bước triển khai thi trên máy tính (các địa phương đủ điều kiện) và giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi, đề thi phù hợp với điều kiện của địa phương.
Từ năm 2023, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.
Như vậy, lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT chưa áp dụng với các thí sinh đang học lớp 12 năm học 2020-2021, các em vẫn yên tâm học và ôn tập với nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ không có những thay đổi lớn mà chỉ có một số điều chỉnh bổ sung ở một số điểm mang tính kỹ thuật sẽ được Bộ sớm thông báo.
Dù đã có lộ trình và bước đầu thực hiện ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019-2020 vừa qua với kết quả đến thời điểm này vẫn đang được đánh giá là tin cậy, hiệu quả song việc giao quyền tự chủ cho các địa phương tổ chức toàn bộ các khâu của kỳ thi và quyết định thời điểm tổ chức kỳ thi theo khung quy định của Bộ GDĐT vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh luận.
TS Quách Tuấn Ngọc- nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) nhắc lại câu chuyện cách đây hơn 10 năm, đã có đến 13 tỉnh suýt bị kỷ luật vì thông đồng với nhau để gian lận trong thi tốt nghiệp THPT. Nếu địa phương “toàn quyền” từ ra đề, tổ chức coi thi và chấm thi,… thì ngoài việc lo đề thi không đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương sẽ khó để trở thành thước đo chung về chất lượng học tập, một lý do nữa là dù các địa phương phải chịu hết trách nhiệm, nhưng để quản được địa phương thì rất khó, vì địa bàn rộng, mỗi tỉnh có nhiều huyện. Thanh tra các cấp sẽ đi kiểm tra, nhưng thực ra cũng chỉ đi được 1 vòng, trong khi kỳ thi lại diễn ra cả vài ngày, thanh tra nào giám sát cho đủ, đây là điều đáng lo ngại.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh cho biết việc tăng cường ứng dụng công nghệ vào trong quá trình tổ chức là một trong hai việc quan trọng cần phải làm cùng với làm “giàu” hệ thống ngân hàng câu hỏi thêm. Cụ thể, cần chuẩn bị, thí điểm và có thể đến thời điểm hợp lý sẽ tổ chức thi ở trên máy, rồi mở rộng dần khi đảm bảo các điều kiện.
Về hình thức thi, tổ chức thi kết hợp cả hình thức thi trên giấy và thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện ở năm 2021 và sau đó, dần tiến tới thi trên máy tính. Đây là xu hướng chung của thế giới hiện nay. Thế nhưng các chuyên gia cũng kiến nghị Bộ cần thận trọng tính toán từng bước và phải lường trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Theo Bộ GDĐT, các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi, nhân lực, thiết bị, quy trình… theo các quy định của Bộ GDĐT và thí sinh đã được làm quen với hình thức thi trên máy tính. Thi trên máy tính phải được tính toán để đảm bảo các yêu cầu tương quan với thi trên giấy và thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.
Như vậy, so với việc thi trên giấy, thi trên máy tính sẽ có những ưu điểm riêng cho thí sinh nếu được triển khai. Trong đó có việc thí sinh được dự thi nhiều lần và có thể sử dụng kết quả cao nhất để công nhận xét tốt nghiệp hoặc ứng tuyển đại học, cao đẳng với những cơ sở sử dụng hình thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền- giáo viên Trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, đây là cơ hội cho thí sinh cải thiện điểm số của mình cũng như tạo cơ hội cho các em nếu xảy ra sự việc đột xuất trong lần thi thứ nhất có thể đăng ký thi tiếp đợt 2, đợt 3, không bỏ lỡ cơ hội của bản thân… “Tôi hi vọng Hà Nội sẽ là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm hình thức thi trên máy tính”- cô Hiền nói.
Cô giáo Nguyễn Thu Anh- Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết, để áp dụng được hình thức thi này, chắc chắn thầy cô cũng cần được tập huấn thêm và học sinh cũng cần làm quen nhiều hơn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai dạy và học trực tuyến trong đợt nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19 năm học 2019-2020, trường Nguyễn Tất Thành đã triển khai dạy học online theo đúng thời khóa biểu ngay từ tuần thứ 2 nghỉ học cho thấy, thầy và trò hoàn toàn có thể bắt nhịp được với những thay đổi công nghệ nếu được chuẩn bị chu đáo.
TS Quách Tuấn Ngọc lưu ý, mặc dù việc tổ chức kỳ thi trên máy tính rất tiện lợi bởi có thể đưa việc thi cử tới tận “trường huyện”, thí sinh cũng không cần phải di chuyển nhiều, đỡ tốn kém và tạo sự tin tưởng trong xã hội vì được thi ngay tại địa phương cần thiết song tổ chức thi trên máy tính nếu làm không nghiêm túc còn dễ xảy ra tiêu cực hơn so với thi trên giấy. “Việc quan trọng nhất là chuẩn bị cho công tác bảo mật và chống gian lận khi cho học sinh thi trên máy tính”- TS Quách Tuấn Ngọc nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, GS Nguyễn Đình Đức- ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ kinh nghiệm của những vụ gian lận vừa qua cho thấy, việc thi trên máy tính có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm là có thể can thiệp hàng loạt kết quả của thí sinh. Những người tổ chức kỳ thi phải lường trước được tất cả những điều đó.