Tranh luận có nên cho học sinh sử dụng điện thoại ?

Thành Luân 25/09/2020 11:15

Sáng 25/9, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Học sinh được sử dụng điện thoại- nên hay không?" được tổ chức tại Trường THPT Hùng Vương (Quận 5, TP HCM), nhiều chuyên gia đồng ý với quan điểm cho rằng cần thận trọng khi sử dụng một biện pháp cấm hoặc không cấm học sinh sử dụng điện thoại bởi nhiều nguyên nhân được nêu ra…

Tại buổi tọa đàm, bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục, CEO tại Innedu STEAM trình bày quan điểm, hãy biến thách thức thành cơ hội, bởi vì điện thoại thông minh hay không, tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng.

Bà Quyên cũng nói một xu hướng là người Việt dám bỏ ra gấp 5 lần thu nhập của mình để mua điện thoại thông minh nhưng khi sử dụng thì chưa thông minh.

Trên thế giới có 5 tỷ người đang sử dụng điện thoại di động, trong khi đối tượng là trẻ em có xu hướng được sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm, khoảng lúc 12 tuổi.

Theo bà Quyên, nghiên cứu chỉ ra cứ 10 học sinh ra trường thì 8 bạn phải giỏi về CNTT, nếu không các bạn sẽ tự bị đào thải. Nếu các bạn chỉ ôm điện thoại chỉ để chát chít thì sẽ tạo ra thách thức rất lớn. Nhưng việc kiểm soát công nghệ tốt lại là chìa khóa cho tương lai.

Việc nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến góp ý về chủ trương của Bộ GD-ĐT khi ra thông tư quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học nếu giáo viên đồng ý đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt.

Đa số các ý kiến cho rằng, bên cạnh những phân tích về lợi ích của việc sử dụng điện thoại, cũng còn có nhiều lo lắng về tác hại của việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.

Nhưng đồng thời với các ý kiến không tán thành thì các cộng đồng trẻ lại nhìn nhận, điện thoại di động kết nối internet sẽ giúp học sinh học hỏi được nhiều kiến thức quý báu. Từ đó, họ chỉ ra việc quan trọng là cần định hướng, hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại di động sao cho đúng cách.

Theo nhà giáo Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương, TP HCM, ở góc độ trường học thì ủng hộ việc nên khuyến khích các em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Tuy nhiên, thầy Huy cũng muốn có sự định hướng để các em sử dụng thời gian hợp lý vào điện thoại để phục vụ học tập và giải trí. Nếu gia đình quan sát các em sử dụng điện thoại nhiều thời gian để giải trí thì nên nhắc nhở và giáo dục kịp thời.

Em Đỗ Huyền Anh, một học sinh trường THPT Hùng Vương chia sẻ, là đối tượng trong cuộc, các em mong mỏi qua các tiết học nhất là các nội dung chưa hiểu hết, có thể tham khảo và sử dụng điện thoại cho việc tra cứu trên google hoặc youtube để hỗ trợ cho việc học.

Huyền Anh nói rằng, không gian internet cũng có nhiều kiến thức để giúp các em tự học ở nhà bằng điện thoại. Tất nhiên cũng có những bạn quá đà vào phục vụ giải trí, cái này theo Huyền Anh cần cả ý thức tự giác cũng như sự quan tâm theo dõi để giáo dục kịp thời từ phía gia đình.

Thành Luân