Sách giáo khoa: Có thể mua qua mạng

Thu Hương 26/09/2020 08:30

Bộ GDĐT cho biết sẽ khẩn trương áp dụng công nghệ thông tin cho phép từng học sinh đăng ký mua sách giáo khoa (SGK) qua mạng. Hệ thống này cũng sẽ cho phép học sinh đăng ký nhận sách cũ, học lại, để giảm số lượng sách in mới, tiết kiệm chi phí.

Ảnh minh họa.

Áp dụng công nghệ thông tin

Trên thực tế, hai năm vừa qua tình trạng khan hiếm SGK của một số khối lớp vào dịp đầu năm học đã xảy ra do NXB không có thống kê về số lượng sách học sinh cần mua, các nhà sách cũng nhập hạn chế do lo lắng tồn kho vì năm sau sẽ thay đổi chương trình SGK mới. Nhiều gia đình những ngày đầu năm học đã phải chạy đôn chạy đáo tìm mua SGK cho đủ bộ, thậm chí bỏ tiền ra mua sách giá cao từ các “cò” sách.

Tại cuộc họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực mới đây, báo cáo trước Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng, Bộ GDĐT cam kết sẽ có những giải pháp không để xảy ra tình trạng như vừa qua. Cụ thể, thay vì phải đi từng nhà sách tìm mua sách hoặc mua sách từ nhà trường, HS có thể đăng ký mua SGK qua mạng, nơi nào chưa có mạng thì hệ thống bưu điện sẽ thống kê giúp để các nhà xuất bản nắm được đầy đủ nhu cầu để chuẩn bị, sau đó chuyển trực tiếp đến tận tay HS.

Xu hướng mua sắm online, trong đó có SGK đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam với việc giúp tiết kiệm thời gian, công sức của khách hàng. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi một số yếu tố.

Cụ thể, theo GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, với chương trình SGK mới có việc chọn sách học theo bộ nào, của đơn vị xuất bản nào nên nếu nhà trường không thông báo sớm bộ SGK sẽ học thì việc đặt mua hàng online sẽ rất khó. Đơn cử như năm học này, đến ngày 3/9 một số trường tiểu học mới họp phụ huynh và thông báo SGK sẽ sử dụng trong năm học mới. Nếu không đặt mua từ nhà trường ngay lúc đó mà chờ về đăng ký trên mạng thì rất có thể năm học đã bắt đầu mà các em vẫn chưa có sách.

Thứ hai, tâm lý phụ huynh nói chung, nhất là với khối tiểu học là muốn mua SGK theo danh mục nhà trường cung cấp. Lý do vì ngoài SGK, mỗi trường có thêm một số dụng cụ học tập riêng, sách tham khảo sẽ sử dụng trong các buổi học nên nếu chủ động đặt mua, cũng cần phải có danh sách từ nhà trường cung cấp để mua đúng loại sách cần.

Về vấn đề này, TS Thái Văn Tài-Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GDÐT) cho biết: Theo quy định, ngoại trừ SGK là bắt buộc, các tài liệu bổ trợ đều phải theo nhu cầu thực tế việc dạy học và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và HS. Nhà trường cần chủ động cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về SGK bắt buộc và sách tham khảo tự nguyện.

Bộ GDÐT yêu cầu, tuyệt đối cấm mọi tổ chức, cá nhân ép buộc HS, phụ huynh mua tài liệu tham khảo… Nếu phát hiện trường làm không đúng, phụ huynh HS hãy phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ GDÐT yêu cầu sở GDÐT các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Sách cũ cho người cần

Một giải pháp cho vấn đề tiết kiệm SGK cũ được Bộ GDĐT đưa ra đó là sẽ tích hợp trên hệ thống cho phép HS đăng ký nhận sách cũ, học lại, để giảm số lượng sách in mới, tiết kiệm chi phí. Việc này được các chuyên gia đánh giá là cần thiết vì nếu bỏ đi số sách này thì rất đáng tiếc trong khi một bộ phận người dân khó khăn không có tiền mua sách.

Thông tin từ Sở GDÐT Nghệ An cho biết, năm học này, Sở đã trình UBND tỉnh trích ngân sách gần một tỷ đồng mua 5.000 bộ SGK lớp 1 để tặng cho các nhà trường ở những vùng khó khăn.

Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cho biết: Trường có 2 lớp 1 với 17 học sinh. Trường chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và đặt mua đủ sách, không thể để các em không có sách khi đến trường. Kinh phí mua sách lựa từ các nguồn xã hội hóa, mạnh thường quân và đóng góp của giáo viên còn rất khó thu tiền mua sách của các em, ngoại trừ những HS được hưởng tiền hỗ trợ chi phí học tập. Bởi HS nơi đây phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy. Động viên được các em đi học đầy đủ đã là một nỗ lực rồi…

Từ năm học sau, SGK lớp 1 đã có thể dùng lại nên chắc chắn, với việc đăng ký cho, tặng và nhận SGK đã sử dụng từ những HS đang học lớp 1 sẽ giúp tiết kiệm được một khoản ngân sách để tiếp tục đầu tư vào những nội dung khác của giáo dục vùng khó nói chung. Những HS khó khăn khác có nhu cầu cũng tìm được nguồn sách để yên tâm học tập vì hiện giá những bộ SGK lớp 1 mới cũng khoảng 200.000 nghìn đồng, chưa kể các sách bổ trợ theo yêu cầu của nhà trường.

Tuy nhiên, để làm được điều này thì việc tuyên truyền để mỗi trường học cũng như người dân nhắc nhở con em mình giữ gìn SGK cẩn thận để có thể tái sử dụng sau này là rất cần thiết.

GS Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng bày tỏ sự đồng tình với việc cần tìm ra giải pháp để SGK không lãng phí mãi như những năm qua dù cả nước quy định thống nhất một bộ SGK mà sách lại không được tái sử dụng hằng năm. Theo ông, cần phải rành mạch nội dung SGK và sách bài tập, không thể để nội dung làm bài tập chèn trong SGK, dẫn đến tình trạng sách dùng một lần rồi... thôi. Bởi hiện nay, có những cuốn, nội dung chương trình SGK chiếm đến 9/10, phần bài tập xen vào 1/10 và HS được hướng dẫn làm trực tiếp lên sách khiến cả cuốn sách phải bỏ đi là rất lãng phí.

Thu Hương