Nợ nần đến từ Covid
Với 359 phiếu ủng hộ và 57 phiếu chống, Hạ viện Mỹ nhất trí chuyển dự luật chi ngân sách bổ sung lên Thượng viện phê chuẩn trước khi năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9. Động thái này được cho là nhằm tránh nguy cơ Chính phủ phải đóng cửa do cạn kiệt nguồn chi.
Theo hãng tin Bloomberg, khoản chi bổ sung này nhằm giúp Chính phủ Mỹ tiếp tục hoạt động tới ngày 11/12 tới, tức là sau khi cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào ngày 3/11 hoàn tất. Trong dự luật ngân sách bổ sung này, phần lớn các cơ quan của Chính phủ đều được nhận các khoản chi mới.
Ví dụ như Bộ Nông nghiệp sẽ được nhận 30 tỷ USD để hỗ trợ các bang nông nghiệp, 8 tỷ USD chi cho chương trình bữa trưa học đường hỗ trợ học sinh trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành - cao hơn mức đề xuất 2 tỷ USD ban đầu của các nghị sĩ đảng Dân chủ.
Trong quá khứ, Chính phủ liên bang Mỹ đã từng phải tạm ngưng hoạt động do không được duyệt cấp kinh phí; dù chỉ là ngừng tạm thời. Tuy nhiên, lần này, việc Hạ viện Mỹ chủ động đề xuất cấp kinh phí cho Chính phủ hoạt động được coi là tích cực khi cuộc bầu cử Tổng thống dù chưa rõ ngã ngũ ra sao thì cũng phải có một Chính phủ điều hành. Và đặc biệt, nó còn do tình hình kinh tế rất khó khăn khi Covid-19 vẫn tiếp tục tác động xấu lên nền kinh tế Mỹ.
Trong bài phát biểu trước thềm phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ (22/9), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhấn mạnh, nền kinh tế nước này sẽ chỉ phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 khi người dân cảm thấy đủ an toàn để nối lại các hoạt động bình thường của họ.
Theo ông Powell, mặc dù một số lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn như bán lẻ và nhà ở đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, song tình trạng lây lan của dịch Covid-19 vẫn khó kiểm soát. Fed đã tung ra hàng nghìn tỷ USD và giảm lãi suất cơ bản xuống gần mức 0% để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhưng tình hình cho thấy họ có thể vẫn phải tiếp tục “mở hầu bao”. Tuy nhiên, nói như ông Powell thì Fed chỉ có thể cho vay chứ không thể “cho không”.
Nhắc lại, hồi tháng 3, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua Đạo luật Hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD, bao gồm các khoản hỗ trợ bổ sung cho người lao động thất nghiệp, cùng một chương trình cho vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ. Song những chương trình đó đã hết hạn vào cuối tháng 7 vừa qua.
Ở một diễn biến khác, giới tài chính cho rằng thâm hụt ngân sách của Mỹ đã cao tới mức kỷ lục. Nhận xét đó được Bộ Tài chính Mỹ “khách quan xác nhận” khi cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay là 3.000 tỷ USD trong 11 tháng kể từ đầu năm tài khóa 2019-2020 (kết thúc vào 30/9/2020).
Yếu tố chủ yếu dẫn tới thâm hụt ngân sách ở mức khổng lồ là các khoản chi tiêu mạnh tay của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn những tác động của cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến hàng triệu lao động bị mất việc làm.
Cụ thể, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ từ tháng 10/2019 đến tháng 8/2020 cao hơn gấp đôi so với mức kỷ lục ghi nhận vào cùng kỳ năm 2009 là 1.370 tỷ USD.
Mặc dù Chính phủ Mỹ nghiêng về khả năng ngân sách nước này sẽ đạt thặng dư vào thời điểm hết tháng 9 này, song theo chuyên gia kinh tế Nancy Vanden Houten (thuộc Oxford Economist) thì mức thâm hụt ngân sách tháng 9 của Mỹ vẫn sẽ là 200 tỷ USD, khiến tổng mức thâm hụt cả tài khóa của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên 3.200 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức thâm hụt ngân sách 984 tỷ USD của tài khóa trước.
Dự báo của giới chuyên gia, tới cuối năm nay, nợ công của Mỹ sẽ tương đương 98% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ này sẽ vượt 100% GDP trong năm tới. Đó là mức nợ công lớn chưa từng thấy kể từ khi Chính phủ Mỹ gánh “núi” nợ khổng lồ vào những năm 1940 để chi trả cho những chi phí của Thế chiến II. Trong khi đó, tính đến tháng 8 của tài khóa hiện nay, tổng thu nhập từ thuế của Chính phủ Mỹ đạt 3.050 tỷ USD, thấp hơn 1,3% so với cùng kỳ tài khóa trước. Chi tiêu của Chính phủ trong 11 tháng của đầu tài khóa này là 6.050 tỷ USD, tăng từ mức 4.160 tỷ USD của cùng kỳ tài khóa trước.